Chất vấn tại hội trường kỳ họp thứ 5 HĐND TP HCM khóa IX ngày 5/7, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng, thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt và tốn nhiều công sức để lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, tình trạng tái lấn chiếm vẫn diễn ra khiến cử tri nghi ngờ về chủ trương của thành phố. Đặc biệt là thông tin "cho thuê vỉa hè" được đưa ra sau khi ra quân lập lại trật tự.
"Thành phố phải giải thích rõ ràng cũng như tính toán mức thu; đồng thời phải công khai, minh bạch khi thực hiện việc này cũng như gắn trách nhiệm với từng cá nhân, người đứng đầu. Có như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh trong công tác, tạo sự đồng thuận từ nhân dân", bà Trâm đề nghị.
Theo bà Trâm, UBND thành phố nhiều lần khẳng định song song với lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè phải đảm bảo sinh kế cho người dân, đồng thời đốc thúc các quận huyện sớm lập "phố hàng rong". Nhưng đến nay chỉ có 1, 2 quận huyện làm còn đa phần vẫn nằm trên giấy - như ở quận 1.
"Các địa phương phải sớm đẩy mạnh, bởi đây là một trong những giải pháp để công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè bền vững", bà Trâm nói.
Còn đại biểu Diệp Hồng Di đặt vấn đề, người kinh doanh đang thăm dò cách làm của địa phương để tái chiếm lòng đường, vỉa hè. Để giải quyết dứt điểm, các quận huyện cần xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, không chỉ ban ngày, giờ hành chính mà cả ban đêm, bất kể ngày giờ nào.
Theo bà Di, nhiều người bán hàng rong rất manh động, có thể gây thương tích cho lực lượng trật tự đô thị. Trong khi đó mức lương đối với cộng tác viên trật tự đô thị thấp (khoảng 2 triệu đồng một tháng) mà còn không được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thành phố phải lưu tâm đến lực lượng này.
Trả lời ý kiến của đại biểu Trâm, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa khẳng định thành phố không dọn lòng lề đường vỉa hè để thu phí. Chủ trương thu phí đã có từ trước và đứng trên nguyên tắc "ai sử dụng lòng, lề đường vào mục đích sinh lợi phải có nghĩa vụ nộp lại" để cơ quan chức năng tổ chức trật tự, cơ sở vật chất ở chính nơi đó.
Ông Khoa thừa nhận thành phố đang duy trì vài bãi giữ xe ở lòng lề đường để đáp ứng nhu cầu thực tế, song thu phí không phải là mục tiêu.
"Cả Thành ủy và UBND đều xác định thu phí không phải là mục tiêu. Vì vậy, khi Sở Giao thông vận tải trình lại bảng phí, Chủ tịch thành phố đã yêu cầu tạm dừng, chưa bàn đến vì đang lập lại trật tự", ông Khoa nói và khẳng định "cái gì tạo điều kiện cho dân làm ăn thì không thu phí, còn cái nào dùng để sinh lợi như giữ xe thì phải tính toán".
Về vấn đề lập các phố hàng rong, ông Lê Văn Khoa cho biết đã yêu cầu quận 1 nghiên cứu tổ chức cho người dân bán hàng rong trên một tuyến đường phù hợp, trong khoảng 6-7h. "Dẹp thì dễ nhưng dẹp rồi sau đó cuộc sống của họ đi về đâu", ông Khoa chia sẻ.
Đối với chế độ cho cộng tác viên đô thị, ông Khoa cho biết sắp tới UBND thành phố sẽ trình đề án để nâng mức phụ cấp cho lực lượng này. "Dù chưa thể đảm bảo cuộc sống nhưng có thể động viên anh em tiếp tục làm việc", ông Khoa cho hay.
Liên quan việc đốn cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng để xây cầu Thủ Thiêm 2, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết, tổng cộng 258 cây (8 loại, nhiều nhất là cây sọ khỉ) bị ảnh hưởng. Trong đó, 115 cây di dời và 143 cây bị đốn hạ. Trong tháng 8 sẽ xử lý 63 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng - đoạn từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đến bờ sông (di dời 20 cây, đốn hạ 43 cây) để thi công cầu. Tháng 10 xử lý 79 cây xanh hai bên vỉa hè - đoạn từ Lê Duẩn đến Nguyễn Hữu Cảnh (di dời 36, đốn hạ 43 cây) để mở rộng mặt đường thi công cầu. Tháng 3/2018 xử lý 70 cây xanh hai bên dải phân cách biên - đoạn từ Lê Duẩn đến Nguyễn Hữu Cảnh (di dời 35, đốn hạ 35 cây). Hai tháng tiếp xử lý 46 cây đoạn từ cảng Ba Son đến công trường Mê Linh (di dời 24 cây, đốn hạ 22 cây). Sau khi cầu Thủ Thiêm 2 xây dựng xong, ngoài cây xanh trồng trên vỉa hè còn tận dụng các phần đất dạ cầu để bổ sung mảng xanh tạo mỹ quan cho công trình. |
Trung Sơn