Ngày 6/10, thảo luận chương trình kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, nhiều ý kiến trong Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề cập đến thời gian làm việc ở hội trường.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các phiên thảo luận tại hội trường, nên để đại biểu đăng đàn đến khi hết ý kiến, chứ không phải hết thời gian rồi nghỉ (thông thường là 17h) như lâu nay.
Ông Hiển phản ánh, trong nhiều phiên thảo luận tại các kỳ họp, đại biểu Quốc hội phải nhanh tay bấm nút đăng ký may ra mới được phát biểu, có những đại biểu đăng ký vài lần không được vì hết giờ. Vì vậy, tới đây nên thay đổi, Quốc hội cho thảo luận đến khi hết ý kiến. "Nếu muộn thì bố trí đại biểu nghỉ ăn tối, rồi thảo luận tiếp. Nhiều nước trên thế giới đại biểu làm việc đến đêm được, chúng ta cũng cần nghiên cứu, để đại biểu nói hết thì mới thoả mãn", ông Hiển nêu ý kiến.
Trước đề xuất trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong mỗi phiên thảo luận gần hết giờ, những người chưa đến lượt phát biểu thì tha thiết có thêm thời gian để nói, nhưng chỉ cần kéo dài thêm 5 phút thôi, nhiều đại biểu khác khó chịu vì họ đang "nhấp nhổm về".
“Quốc hội các nước làm rất muộn, nhưng họ khác chúng ta. Ở nước họ ai nói cứ nói, anh không thích nghe thì đi ra ngoài. Còn ở ta, các đại biểu Quốc hội phải ngồi nghe vì liên quan đến việc điểm danh, không thể bỏ ra ngoài được", bà Kim Ngân nói.
Cho rằng phiên thảo luận hay chất vấn là "linh hồn" của kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến lưu ý, nên tạo điều kiện cho đại biểu được nêu ý kiến, vì "đã đăng ký rồi mà không được nói thì rất bức xúc”.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, phiên thảo luận tại hội trường nên tuân thủ đúng thời gian, nếu muốn kéo dài thì kéo dài hẳn thêm 1, 2 ngày làm việc, nếu "trong buổi làm việc mà chờ thảo luận đến hết thì không biết bao giờ, trong khi đó, đại biểu có rất nhiều tài liệu cần nghiên cứu".
Dự kiến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá 14 sẽ khai mạc ngày 20/10, kéo dài trong 24 ngày, bế mạc vào ngày 19/11.