Phát biểu trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/8 về Dự án luật Tiếp cận thông tin, nhiều đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành luật trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như nhu cầu thông tin minh bạch của người dân ngày càng lớn. Tuy nhiên, cũng có đại biểu băn khoăn về thời điểm ban hành khi chưa có Luật bí mật nhà nước.
Cho ý kiến về dự luật, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng nếu không cụ thể hoá thì khó khả thi. Bởi lẽ, mục đích xây dựng luật đặt ra rất cao nhưng các quy định lại chung chung. “Điều 20 đề cập quyền từ chối cung cấp thông tin rất mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin của người dân vì mới có thể ảnh hưởng đến an ninh hay đời tư thôi thì anh đã từ chối rồi. Tôi cũng không hiểu cơ quan trả lời thì trả lời đến mức độ nào. Thực tế tài liệu ghi mật tràn lan, thậm chí có thư mời đi họp cũng ghi chữ Mật”, ông Sơn dẫn chứng.
Cũng theo Phó chủ tịch Quốc hội, việc quy định chưa cụ thể, rõ ràng gây khó cho người được yêu cầu cung cấp thông tin vì chỉ cần từ chối với lý do không phù hợp cũng có thể bị khởi kiện, ví dụ tình hình sức khoẻ của cán bộ đi nước ngoài người dân cần thông tin thì nên công khai, “chứ có gì đâu mà bí mật”. Việc không công khai gây nên đồn thổi không tốt, tạo nên xáo trộn bất ổn xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, luật ra đời nhằm điều chỉnh thực tế đó trên tinh thần Hiến pháp 2013. Do đó, theo ông Lý, những gì hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân phải ghi cụ thể trong luật. “Luật ra đời nhằm mở ra quyền tiếp cận thông tin của công dân, tạo thuận lợi cho người dân. Đến thư mời đi họp cũng ghi Mật như anh Sơn nói thì còn gì để công khai. Do đó cần có danh mục những loại thông tin không được cung cấp và thể hiện trong luật”, ông Lý nêu quan điểm.
Đồng tình sự cần thiết xây dựng luật, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa lo ngại nếu luật được thông qua và có hiệu lực thì công dân có quyền tiếp cận bất cứ thông tin nào không cấm vì Luật bí mật nhà nước không có. “Thời điểm ban hành luật cần cân nhắc”, ông Khoa đề xuất. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh thông tin, khi giám sát về bí mật nhà nước, thực tế cho thấy đã có ban hành danh mục mật nhưng không rõ, có những cái không cần thì đóng mật có những cái cần thì không đóng.
Một nội dung cũng thu hút nhiều ý kiến đại biểu là việc thu phí khi cung cấp thông tin. Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách Tài chính Phùng Quốc Hiển cho rằng cung cấp thông tin là một trong những nguyên tắc phục vụ của nhà nước nhưng cũng cần quy định rõ những thông tin phải thu phí.
Nêu đặc thù ở Việt Nam, người dân thường đến UBND xã, phường để hỏi thông tin, bà Trương Thị Mai đề nghị nên có cơ chế để UBND xã, phường hướng dẫn, hay giúp đỡ người dân đưa ra yêu cầu đến cơ quan khác. “Nhưng nếu đến UBND xã, phường yêu cầu cung cấp thông tin mà phải trả phí thì hình như có cái gì đó cản trở vì nếu trong thời gian xác định mà không có tiền thì không có thông tin”, bà Mai nói.
Dự thảo luật Tiếp cận thông tin gồm 6 chương 31 điều được chuẩn bị từ năm 2008 đến nay, dự kiến được trình xin ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13.
Võ Hải