Tại hội thảo "xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" do ĐH Quốc gia Hà Nội và Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức ngày 18/10, nhiều ý kiến đánh giá dù có nhiều tiềm năng để phát triển nông - lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản và có nền văn hoá vật thể, phi vật thể đồ sộ, vùng Tây Bắc vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. 16 chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được thực hiện song chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ông Trần Thanh Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh Điện Biên đề xuất, cần tìm hiểu về giải pháp phát triển theo hướng liên kết các tỉnh có thế mạnh về phát triển rừng để tập trung thu hút đầu tư chế biến lâm sản, giúp người dân sống được bằng nghề rừng. Bên cạnh đó, Tây Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và lịch sử nên cần tận dụng để phát huy các giá trị một cách có hiệu quả.
Chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu, đồng thời là địa bàn chiến lược về an ninh quốc phòng và truyền thống cách mạng.
Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị chức năng xác định nhiệm vụ phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương. Trên cơ sở đó, định hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể như mô hình du lịch sinh thái gắn với các di sản thiên nhiên ở vùng Tây Bắc, khai thác năng lượng nhiệt, trồng cây dược liệu, phát triển liên kết vùng trên cơ sở chuỗi giá trị hàng.
Phó Thủ tướng đề nghị kết quả của từng đề tài, dự án phải trả lời được câu hỏi: "Sẽ đóng góp được gì và ở mức độ nào để giúp Tây Bắc phát triển bền vững và đời sống của đồng bào bớt khó khăn?".
Trước đó, ngày 1/7/2013, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã ký quyết định thành lập ban chủ nhiệm chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013 – 2018 "Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" gồm 11 thành viên và cử PGS Phùng Xuân Nhạ, giám đốc ĐHQG Hà Nội làm chủ nhiệm chương trình.
Theo kế hoạch, việc triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc được phân kỳ làm hai giai đoạn: 2013-2015 và 2016-2018. Giai đoạn 1 tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, điều tra bổ sung đến năm 2015 có được bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành về vùng Tây Bắc. Trong giai đoạn 2, chương trình đẩy mạnh việc triển khai, nghiên cứu, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ, các dự án sản xuất thử nghiệm vào đời sống và xây dựng mô hình phát triển, đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.
Kiều Trinh