Thông tin và hình ảnh về miếng vàng đặc biệt được công bố trong hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khu vực thành cổ đường Hoàng Diệu, Hà Nội diễn ra ngày 16/12. PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, từ trước đến nay ở Hoàng thành Thăng Long mới tìm thấy 3 mảnh vàng.
Báo cáo kết quả khai quật ở trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) năm 2014, PGS Tống Trung Tín cho biết, lần đầu tiên xác định tầng văn hóa đầy đủ nhất có niên đại kéo dài từ thế kỷ 8-9 đến thế kỷ 19-20.
Cuộc khai quật cũng lần đầu tiên xác định được các dấu tích kiến trúc ở trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại. Trong đó, bước đầu làm xuất lộ 4 dấu tích kiến trúc lớn ở thời Lý như: móng kiến trúc, móng tường, sân gạch và đặc biệt là đường nước lớn.
"Đây là lần đầu tiên phát hiện thấy dấu tích móng trụ và sân nền lát thời Lý ở khu vực trục trung tâm. Có ý kiến suy đoán, phải chăng đó là dấu tích sân Đại Triều thời Lý", PGS Tín nói.
PGS Tín cho rằng, cuộc khai quật năm 2014 bước đầu xác định được một phần không gian chính điện Kính Thiên ở khu vực Trung tâm như Ngự đạo, sân Đan Trì, móng kiến trúc (hành lang), đặc biệt các di tích này đều xác định rõ hai giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng chồng xếp lên nhau.
Vết tích sân đại triều trước đây còn nghi ngờ giữa Lê Sơ và Lê Trung Hưng thì nay có căn cứ khẳng định thuộc thời Lê Trung Hưng vì đất được đắp tôn lên nền Lê Sơ. Gạch sử dụng ở đây cũng khác hẳn thời Lê Sơ, có tiết diện hình vuông chứ không phải hình chữ nhật. Các kiến trúc hàng cột, nền gạch và móng tường bao lớn của thời Lê Sơ - Lê Trung Hưng cũng được phát hiện.
Dấu tích thời Trần ở Hoàng thành Thăng Long đã bị phá hủy nghiêm trọng và kiến trúc không gian vẫn là dấu hỏi lớn với các nhà khảo cổ.
Các di vật được tìm thấy trong cuộc khai quật năm 2014 cũng phong phú với số lượng lớn loại hình vật liệu kiến trúc, đồ sành, gốm sứ. Đặc biệt nhất là miếng vàng hình hoa sen vòng ngoài, phía trong là hình rồng tinh xảo.
Theo PGS Tống Trung Tín, hiện vật này rất quý hiếm bởi trong suốt những năm khai quật trước đây, trên toàn bộ diện tích của khu khảo cổ số 18 Hoàng Diệu, người ta mới tìm được 3 mảnh vàng, trong đó một mảnh có có hình rồng thuộc thời Lý. Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam lý giải rằng, do vàng trước đây không được dùng nhiều mà chỉ sử dụng trong hoàng gia. Miếng vàng được phát hiện lần này, rất có thể được đính vào mũ hoặc trên áo, đai lưng của vua.
Nhận xét về kết quả cuộc khai quật năm 2014, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá, có nhiều thành tựu lớn, trong đó phát hiện quan trọng và cũng là thành công lớn nhất, là xác định được rõ ràng kiến trúc của hai thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng.
"Trước đây ta nghĩ rằng Lê Sơ là thời cực thịnh nên các công trình phải lớn hơn Lê Trung Hưng. Nhưng thực tế tường bao và sân Đan Trì của Lê Trung Hưng lại rộng hơn, có nền đầm gạch sâu chứ không đơn giản như Lê Sơ, chứng tỏ quy mô kiến trúc rất lớn. Qua các dấu tích, ta cũng khẳng định được rằng, thế kỷ 17 là giai đoạn hưng thịnh của Lê Trung Hưng", GS Phan Huy Lê nói.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị phải xác định thêm vị trí trung tâm Cấm thành và mối tương quan giữa trục Trung tâm với khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Bên cạnh đó, cần có nhận thức tổng thể cấu trúc của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
GS Phan Huy Lê nhấn mạnh việc tăng diện tích khai quật mỗi năm lên 4.000-5.000 m2 (hiện nay là 1.000 m2/năm) phải đảm bảo vừa giữ được dấu tích lớp khai quật trên vừa nghiên cứu được địa tầng phía dưới.
Quỳnh Trang