Sáng 12/2, trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đức Kiếm, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết, Trung tâm nghiên cứu kinh thành thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng Bảo tàng Nghệ An vừa hoàn thành báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích Động Lỗ Ngồi ở Núi Đụn.
Trước đó vào đầu năm 2014, trong quá trình nghiên cứu Thành Vạn An thời vua Mai Hắc Đế, qua khảo sát vùng đất tại xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, các nhà khoa học đã phát hiện ra mặt bằng của một tòa kiến trúc trên đỉnh Núi Đụn (Hùng Sơn) hay còn gọi là Động Lỗ Ngồi.
Ngay sau đó Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã khai quật mặt bằng này, phát hiện trên tổng diện tích 300 m2 có hai tòa kiến trúc với chân móng dấu ấn thời Trần. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy hàng trăm di vật, hiện vật mang dấu tích thời Trần, như: đôi chim uyên ương, tháp, đầu rồng bằng đất nung, gạch ngói... Trong đó, hiện vật có giá trị kiến trúc đẹp có đến khoảng 30 cái.
Tại điểm khai quật thứ nhất có mặt bằng hình chữ nhật khoảng 240 m2, dấu vết còn lại gồm: bó nền, móng trụ bằng đá được kè kiên cố, ở giữa bó nền có một bậc thềm dẫn xuống sân, các chân tảng bằng đá chế tác đơn giản được đặt trên các móng trụ. Nền được xử lý kiên cố và đầm chặt bằng chất liệu.
Tại điểm khai quật thứ hai nằm ở phía tây của khu đất thứ nhất, các nhà khoa học đã phát hiện một mặt bằng kiến trúc hình vuông còn nguyên bó nền và gia cố trụ móng được xây dựng khá kiên cố với cấu trúc gồm 2 phần, phần đế và phần thân xếp bằng gạch. Tại đây cũng phát hiện nhiều di vật để sử dụng trong việc trang trí kiến trúc làm từ đất nung...
Ông Kiếm cho rằng, đây có thể là công trình kiến trúc cung đình của thời Trần. "Tuy nhiên chưa thể kết luận được đây là ngôi đền hay ngôi chùa, hay phương đình... và giữa công trình này với lăng mộ vua Mai Hắc Đế có liên quan đến nhau hay không. Vì đây cũng có thể là một cung điện của một vị quan nhà Trần", Giám đốc Bảo tàng Nghệ An lý giải.
Việc phát hiện di tích tại Động Lỗ Ngồi theo ông Nguyễn Đức Kiếm là có ý nghĩa rất quan trọng để chứng minh rằng, thời nhà Trần đã chú trọng vùng đất phên giậu của Đại Việt (Xứ Nghệ thời nhà Trần được gọi là vùng đất biên viễn).
Hải Bình