- HĐND tỉnh Sơn La vừa phê duyệt đề án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh và quảng trường với kinh phí 1.400 tỷ đồng. Là người nhiều năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh, ông bình luận gì về việc này?
- Khi mới đọc thông tin tôi thấy sốc vì nếu đúng là tượng đài 1.400 tỷ đồng thì tốn nhiều tiền quá. Tuy nhiên, hôm qua Sơn La đã giải thích là kinh phí xây dựng tượng chỉ 200 tỷ đồng, và tượng nằm trong khu quần thể quảng trường.
Mặc dù vậy, tôi vẫn cho rằng, nếu xây dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì phải hết sức tiết kiệm, tránh phô trương hình thức. Thực tế, học sinh miền núi Sơn La đi học ăn chưa no, đi chân đất ngày rét, học trong những phòng xập xệ… Trong điều kiện đó, nếu Bác biết xây tượng mình sẽ không an lòng. Vì Bác từng nói “một ngày dân còn đói khổ, là một ngày Bác ăn không ngon ngủ không yên”. Và “nếu để dân đói, dân rét, dân khổ, là Đảng và Chính phủ có lỗi".
PGS Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: H.T. |
- Trong cuộc sống thực, Hồ Chủ tịch thường thể hiện quan điểm thế nào về tiết kiệm?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, nhưng cũng là con người khiêm nhường, giản dị trong đời sống thường ngày cũng như trong công việc. Người cần kiệm, liêm chính, tránh bệnh hình thức, không ủng hộ phong cách phô trương, bệnh thành tích. Bác nói không tiết kiệm giống như gió vào nhà trống. Người quý từng hạt cơm, con cá, mớ rau. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết “Bác vĩ đại chẳng làm ai kinh ngạc”, còn nhà thơ Tố Hữu khi viết về Người cũng nói “Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chi tiêu tiết kiệm trong khuôn khổ tiền lương của mình. Lương được 247 đồng giao cho thư ký Vũ Kỳ cân đối, Bác trồng rau, nuôi cá và chỉ thị "dân ăn độn bao nhiêu thì Bác ăn độn bấy nhiêu". Ăn cơm, từng hạt rơi vãi Bác còn nhặt lên. Người tận dụng từng mẩu bút chì, cắt từng góc giấy chưa dùng để viết, cho sỏi vào bánh xà phòng cho ráo nước để dùng lâu hơn.
Đến cuối đời, trong di chúc Hồ Chủ tịch vẫn còn nhắc nhở, mỗi Đảng viên phải thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, phải chăm lo đời sống của người dân, có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế. Bác gọi đó là cuộc chiến đấu chống hư hỏng, lạc hậu, kém cỏi, đó là cuộc chiến đấu khổng lồ. Quốc hội hai lần đề nghị tặng Huân chương sao vàng, Liên Xô tặng huân chương Lê Nin năm 1967 nhưng Bác đều xin phép hoãn đến ngày thống nhất. Bác không chờ được đến ngày ấy, và đến cuối đời không có tấm huân chương nào trên ngực.
- Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng tượng đài Hồ Chủ tịch nên được thực hiện như thế nào?
- Dựng tượng Bác Hồ là cần thiết nhưng phải có quy hoạch, phải làm chặt chẽ, không ào ào, lãng phí. Đất nước ta qua 30 năm phát triển, kinh tế đã khởi sắc nhưng vẫn là nước nghèo, thu nhập mới khoảng 2.000 USD mỗi người, không là gì so với thế giới. Vì vậy phải cần kiệm, chắt chiu từng hạt gạo, đồng tiền. Chúng ta phải học Bác: "Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô, ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ".
Lãnh đạo từng địa phương phải suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định và phải được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua. Chưa xây tượng không có nghĩa là dân không có tình cảm với Bác. Vì vậy phải cân nhắc nên xây dựng lúc nào cho phù hợp, chú trọng những việc cần làm ngay, chính là làm cho dân đỡ khổ. Ở các tỉnh miền núi càng phải tiết kiệm, dành tiền để xây dựng kinh tế, phát triển địa phương như xây trường học, trạm y tế, làm đường dân sinh...
- Ông nói rằng cần phải cân nhắc trong việc xây dựng tượng Hồ Chí Minh, vậy cần phải cân nhắc những yếu tố nào?
- Vừa rồi tôi thấy hiện tượng xây dựng khu tưởng niệm các nhà lãnh đạo ở khắp nơi, như vậy rất tốn kém. Chúng ta phải làm thế nào cho thiêng liêng, trang trọng, nhưng vẫn giản dị. Tôn vinh, kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều cách thể hiện, dựng tượng chỉ là một cách. Từ tâm can con người Việt Nam kính yêu Bác mới là đáng quý. Kính yêu Bác thì phải học tập Bác mới thiết thực.
Ta cũng phải nghiên cứu sâu văn hoá dân tộc, văn hoá phương Đông. Văn hoá Việt Nam là tôn vinh tôn kính những bậc vĩ nhân, những người có công với nước. Những người được tôn là Thánh thì dân thường xây đền thờ. Trong đền có thể có tượng hoặc không. Khi Bác mất, ở trong miền Nam rất nhiều tỉnh lập đền thờ như Cà Mau, Trà Vinh, Đồng Tháp, đó là văn hoá của người Việt, dù đơn sơ nhưng vẫn uy nghiêm, tôn vinh nhân vật. Còn dựng tượng ngoài trời là văn hoá phương Tây.
Hoàng Thuỳ thực hiện