- Từ khi ra đời từ năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể nào thưa ông?
- Đảng Cộng sản Việt Nam đã 85 năm tuổi, so với một đời người là rất già dặn, chín chắn, từng trải và có những thăng trầm. 85 năm, từ không đến có, Đảng đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được thành quả to lớn, trong đó giai đoạn khó khăn nhất là 1930-1945, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng đã làm nên cuộc cách mạng tháng 8, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời và có được Hiến pháp từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên.
Từ 1946 đến 1975 là giai đoạn chống Pháp, Mỹ và những chiến công huy hoàng như chiến thắng Điện Biên Phủ và đại thắng mùa xuân 1975. Bốn năm sau đó Việt Nam phải chống lại cuộc xâm lăng của Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam, đồng thời giúp nước bạn Campuchia đánh tan chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước. Từ năm 1986 Đảng tiến hành Đại hội VI với hừng hực khí thế "Đổi mới hay là chết". Từ nước thiếu lương thực, chúng ta đã xuất khẩu được lương thực, có đủ cơm no áo ấm cho đại bộ phận người dân.
- Bên cạnh những kết quả như vừa nêu, theo ông Đảng gặp phải những khó khăn, thách thức gì?
- Từ năm 2000 đến nay, đất nước bước sang giai đoạn mới đòi hỏi phát triển về chất chứ không chỉ về lượng. Tuy nhiên, Đảng đang gặp nhiều thách thức. Đó là sự nghiệp Đổi mới có phần bị chững lại, sửa chữa những sai lầm có phần chậm trễ. Thói kiêu ngạo cộng sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo không sửa chữa được bao nhiêu. Sự tha hóa, suy giảm đạo đức phẩm chất, nạn tham nhũng tràn lan đang trở nên nhức nhối. Những sai lầm đó chính là kẻ thù bên trong, là giặc nội xâm rất nguy hiểm.
Thời cách mạng tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có gần 5.000 đảng viên, nhưng nói đến Đảng là nói đến sự thiêng liêng, cao quý, mến phục của nhân dân. Vì vậy, niềm tin, sự lan tỏa của đảng viên rất mạnh. Bây giờ, số lượng đảng viên tăng lên gần 1.000 lần nhưng người dân nhìn cán bộ, đảng viên không còn được như trước.
Không phủ nhận rằng vẫn có nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu, giữ vững truyền thống tốt đẹp của đội ngũ tiên phong, nhưng bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền lại không được như thế. Tệ nạn tham nhũng đã ăn sâu vào bộ máy công quyền. Đảng hiện nay đông nhưng chưa mạnh. Đó là nỗi đau, là điều đáng báo động.
- Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Chủ trương lấy phiếu tín nhiệm có từ Hội nghị Trung ương 4, nhưng tới Hội nghị Trung ương 10 mới thực hiện cho thấy Trung ương, Bộ Chính trị hết sức thận trọng, đã cân nhắc và rút kinh nghiệm qua việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội.
Trước đây, định kỳ Bộ Chính trị có bản kiểm điểm trình bày trước Trung ương, nghe Trung ương góp ý kiến. Nay Bộ Chính trị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm là một việc làm rất đáng hoan nghênh, cho thấy thêm quyết tâm, sự dũng cảm của các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Việc lấy phiếu này cũng là khâu quan trọng để Trung ương thấy được mức độ tín nhiệm của các lãnh đạo Đảng, qua đó có sự chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XII.
Tuy nhiên, để lấy phiếu tín nhiệm được khách quan, theo tôi cần phải có 4 loại văn bản của người được lấy phiếu tín nhiệm. Đó là bản kiểm điểm cá nhân; đánh giá của Bộ Chính trị với từng người; đánh giá của khu dân cư nơi người đó sinh sống và bản kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản cần làm thực chất chứ không hình thức như hiện nay. Có nghĩa là, bản kê khai tài sản phải được xác minh công phu và có trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Minh bạch và công khai tài sản là khâu then chốt để đánh giá có tham nhũng hay không?
Tôi cũng cho rằng Trung ương cần công bố phiếu tín nhiệm cho nhân dân biết. Điều 4 của Hiến pháp quy định Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, vậy thì nhân dân rất cần biết Đảng lãnh đạo thế nào, chịu trách nhiệm thế nào và nhân dân được giám sát ra sao.
- Trước những khó khăn hiện nay, theo ông Đảng cần phải làm gì?
- Từ những phân tích trên, chúng ta phải tỉnh táo và nhận thức sâu sắc rằng 85 năm qua, Đảng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng vẫn còn những tồn tại không nhỏ. Các giải pháp để khắc phục đã được đề ra khá nhiều, nhưng việc tổ chức thực hiện lại yếu. Tôi muốn nhắc lại lời dạy của Bác Hồ với tinh thần: Chính sách - Một, kế hoạch - Năm, thực hiện - Mười. Nghĩa là nói được và phải làm được.
Thành công của Đại hội VI và những thành quả sau đó có được là do Đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận thấy có sai lầm, thiếu sót nên đưa tinh thần "đổi mới hay là chết". Tôi cho rằng cần khôi phục, tìm lại không khí của cuộc đổi mới này. Lãnh đạo của Đảng là bộ phận tiên tiến nhất, vì vậy cần phải đổi mới sâu sắc.
Tôi cũng kiến nghị Đảng cần quan tâm thực chất trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật vì mục tiêu của chúng ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; trong đó coi trọng việc nghiên cứu và thừa hưởng tối đa thành quả này của các nước trên thế giới. Chúng ta đang muốn xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng hiện mới có khoảng 300 luật, các nước thường có ít nhất 1.000 luật, nhiều từ 2.000 - 3.000 luật. Điều quan trọng nữa là chất lượng của luật. Hiện nay luật ống, luật khung quá nhiều.
Tôi tha thiết đề nghị Đảng cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức mình là đảng viên của Đảng tiên phong, phải nâng cao tư tưởng và tính chiến đấu, rèn luyện đạo đức, tư cách để xứng đáng với niềm tin của nhân dân dành cho suốt 85 năm qua.
Hoàng Thùy thực hiện