Sáng 15/8, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, BOT đang có rất nhiều hạn chế. Đó là tình trạng con đường độc đạo do "ông bà để lại", nhưng nhà đầu tư bỏ tiền cải tạo một chút, sau đó thu tiền khiến người dân bức xúc; nhiều quãng đường quá ngắn cũng làm BOT; chất lượng công trình một số dự án quá kém, giá thành dự án đầu tư cao...
"Theo dõi tình hình trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang mấy ngày qua tôi rất buồn. Cai Lậy đã xả trạm hai lần rồi và sẽ lây lan nơi khác nếu không sớm xử lý", ông Giàu nói.
Hai vấn đề nổi lên với BOT
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhận xét, việc thu phí BOT hiện nổi lên hai vấn đề, đó là khoảng cách đặt trạm và mức thu. Phản ứng của người dân thời gian qua đều liên quan đến vấn đề này.
Theo ông Tỵ, nguyên nhân chủ yếu của sự việc trên là do khâu quản lý. Mức thu, thời gian, thoả thuận đặt trạm thiếu sự minh bạch. Theo quy định thì việc đặt trạm thu phí cần tham khảo ý kiến người dân, nhưng vừa qua thực hiện không đến nơi đến chốn, có nơi chỉ làm hình thức, một số nơi áp đặt dẫn đến hậu quả người dân phản ứng.
"Trước việc lái xe dùng tiền lẻ thanh toán dẫn đến ùn tắc ở trạm thu phí Cai Lậy, đoàn giám sát về BOT cần làm rõ thêm, nguyên nhân tại đâu, để tránh lặp lại tình trạng này", ông Tỵ nói.
Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, thực chất các dự án BOT đều sử dụng vốn vay ngân hàng. Có dự án sử dụng mức vốn vay rất cao, phí vay nhiều dẫn đến tình trạng thời gian thu dài, mức thu cao. Vì vậy trong giám sát về BOT cũng cần làm rõ nguyên nhân, phân tích cơ chế tín dụng, kênh huy động vốn.
"Hiện phần lớn BOT nằm ở giao thông đường bộ mà đường thuỷ, đường sắt không thấy nhà đầu tư nhảy vào. Phải chăng chỉ đường bộ mới mang lại lợi ích cho nhà đầu tư? Đây cũng chỗ cần tập trung nghiên cứu. Chính sách ưu tiên của nhà nước đối với lĩnh vực này như thế nào?", Ông Tỵ nêu vấn đề.
Ông cũng đề nghị cần phải tiến hành kiểm toán, xử lý nghiêm sai phạm ở dự án BOT khi cơ quan chức năng phát hiện; giám sát chặt thu phí giao thông đường bộ. Cùng với đó, bộ ngành liên quan phải rà soát khoảng cách các trạm thu phí, nơi nào không đảm bảo 70 km thì nhà nước nên mua lại quyền thu phí để xóa trạm, giảm bức xúc của người dân.
"Nếu có quy hoạch BOT và thu phí trên cả nước do Chính phủ quy định thì vấn đề sẽ được tiếp cận bài bản, chủ động hơn; tránh việc người dân phản ứng ở một số quãng đường", ông Tỵ nói và đề nghị sớm xây dựng Luật về đối tác công tư, trong đó quy định chi tiết về BOT, cách thức huy động vốn, quản lý hợp đồng, và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức.
Cần đánh giá ai được lợi, ai chịu thiệt
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng nên có tổng công trình sư thiết kế quy hoạch BOT.
"Cần đánh giá ai là người lợi nhất hay chịu thiệt nhất tính theo từng dự án. Phải xem chỗ nào bức xúc, có phản ánh nhà đầu tư làm ăn gian dối, đầu tư ít nhưng thu nhiều... để xác định trách nhiệm và xử lý", bà Nga đề nghị.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ băn khoăn khi đầu tư hạ tầng giao thông ở những vùng có lưu lượng xe lưu thông cao, như vùng đồng bằng sông Cửu Long còn khiêm tốn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian vừa qua đầu tư ồ ạt BOT dẫn đến hạn chế về giám sát, có nơi chỉ cải tạo trên con đường có sẵn khiến phí chồng phí, tạo dư luận không tốt. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đồng tình cần có sự rà soát để xử lý tổng thể, tránh những bức xúc như vừa qua ở trạm Cai Lậy.
Giải trình trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thừa nhận, giai đoạn 2011-2016 BOT được làm ồ ạt. Tuy nhiên năm 2016, Bộ đã tổng kết năm năm thực hiện dự án giao thông và gửi nhiều kiến nghị các cấp có thẩm quyền. Trong đó, để hoàn thiện cơ chế, Bộ đề xuất nâng nghị định 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư lên thành luật để "huy động rộng rãi nguồn vốn nhà đầu tư nước ngoài".
Theo báo cáo của đoàn giám sát, giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động hơn 171 nghìn tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng giao thông, trong đó vốn BOT là gần 154 nghìn tỷ đồng với trên 59 dự án, chiếm khoảng 90,2%.
Đến nay, 55 dự án BOT đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác với tổng mức đầu tư gần 138 nghìn tỷ đồng (toàn bộ là lĩnh vực đường bộ). Nhiều công trình trọng điểm, có tính kết nối cao giữa các vùng miền đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa như mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...
Tính đến nay, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước vào lĩnh vực cảng biển đạt khoảng 157.600 tỷ đồng với trên 168 cảng bến; khoảng 19.000 tỷ đồng vào lĩnh vực cảng thủy nội địa.
Lĩnh vực hàng không đã triển khai 2 dự án theo hình thức BOT (Sân bay Vân Đồn, Nhà ga hành khách sân bay Phan Thiết) và rất nhiều dự án triển khai theo hình thức doanh nghiệp tự đầu tư (Nhà ga hành khách Đà Nẵng, Nhà ga hành khách Cam Ranh, Nhà ga hàng hóa tại sân bay Nội Bài...).