Ngày 22/6, Hội nghị lần thứ 7 Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam khóa 8 đã hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch tổ chức này thay ông Nguyễn Thiện Nhân - vừa được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành uỷ TP HCM.
Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết có rất nhiều kỷ niệm trong quãng thời gian gần 4 năm làm Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN.
“Khi tôi mới về Mặt trận vào năm 2013, chị Hà Thị Khiết - lúc này là Trưởng ban dân vận Trung ương, nói ngay có việc cần phối hợp làm. Đó là dự thảo quy chế giám sát, phản biện xã hội chuẩn bị nhiều năm rồi, bây giờ làm thế nào 2013 phải xong", ông Nhân kể lại và thông tin thêm, các bên liên quan "cùng quyết tâm" thì đến tháng 12/2013, Bộ Chính trị ký quy chế này. Tiếp đó, Hiến pháp 2013 có nhiều nội dung về Mặt trận; Luật MTTQ 2015 đã khẳng định nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của tổ chức này.
Ông Nhân cho hay, thời gian qua MTTQ VN đã triển khai hơn 700 cuộc giám sát Trung ương, hơn 4.000 cuộc giám sát địa phương, khoảng 20.000 giám sát cơ sở. "Những số liệu trên cho thấy công tác giám sát rất tích cực và quan trọng, nhưng còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi dũng khí, trí tuệ của Chủ tịch mặt trận ở 63 tỉnh, thành", ông nói.
Theo ông, hiện còn các vụ việc tiêu cực do MTTQ giám sát và phản biện cần được theo dõi trong thời gian tới. Cụ thể như vấn đề cát tặc gây hậu quả, nhưng chưa có địa phương nào trực tiếp lên tiếng về vi phạm này tại một xã, một huyện cụ thể mà người dân ở đó bức xúc.
"Có những nơi người dân phải tự tổ chức đội tự vệ chống cát tặc, nhưng cơ quan mặt trận ở đó không lên tiếng", ông nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, vừa qua có kiến nghị giám sát việc đóng tàu cá tốn hàng tỷ đồng nhưng chạy không tốt sau một thời gian đi biển. Nhiều ý kiến người dân cho rằng MTTQ VN cần vào cuộc, do vậy Mặt trận tiếp thu và sẽ bàn với Chủ tịch Hội Nghề cá có sự giám sát nội dung nêu trên.
Với người kế nhiệm chức danh Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN, ông Nhân cho hay rất vui vì ông Trần Thanh Mẫn được tín nhiệm 100% và mong ông Mẫn phát huy thế mạnh, vượt qua thách thức đóng góp cho công tác Mặt trận.
"Năm 2006 tôi ra làm Bộ trưởng Giáo dục. Sau đó khi đang làm Phó thủ tướng nhiệm kỳ 2 thì Bộ Chính trị phân công về làm Chủ tịch Mặt trận - khá là bất ngờ đúng không. Bất ngờ nhưng nhiệm vụ Đảng giao gắng mà làm tốt", ông Nhân nói.
Đề xuất bầu bổ sung Chủ tịch Mặt trận vào Bộ chính trị Tại hội nghị của Ủy ban trung ương MTTQ VN, GS Phạm Xuân Hằng đã đề xuất bầu bổ sung tân Chủ tịch Trần Thanh Mẫn vào Bộ Chính trị. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho hay, ý kiến của GS Phạm Xuân Hằng là rất chính đáng. “Đây là vấn đề vị trí của MTTQ, chúng tôi xin ghi nhận và báo cáo với các cấp có thẩm quyền về nguyện vọng cũng như mong muốn của các đại biểu”, ông Chính nói. |
Võ Hải