Chủ tịch Quốc hội nói vậy khi đại biểu Ngô Văn Minh đặt vấn đề xử lý trách nhiệm của các cá nhân tổ chức quyết định chủ trương đầu tư sai tại buổi thảo luận về dự luật Đầu tư công của các đại biểu chuyên trách sáng 11/4.
Đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh, người quyết định chủ trương đầu tư sai là cái gốc của thất thoát và tham nhũng, vì vậy người này thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ông Minh cũng cho rằng, quy định dự thảo luật chưa đủ mạnh để xử lý trách nhiệm của cơ quan tham mưu, tư vấn dự án, hay quyết định chủ trương đầu tư công sai.
Theo dự luật Đầu tư công, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được vốn để thực hiện gây thất thoát, lãng phí do lỗi mình gây ra phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân liên quan đến lập, thẩm định dẫn đến quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả do lỗi mình gây ra cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Đỗ Văn Đương đã dùng hình ảnh “dòng sông êm đềm không vướng víu” để nói về trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư và người quyết định đầu tư dự án sai.
Theo đại biểu, có nhiều cái rất khó phân định trách nhiệm của hai chủ thể này. “Như chủ trương nạo vét luồng sông Hậu, dù Quốc hội là người quyết định chủ trương đầu tư, nhưng có lẽ ngoài Chính phủ thì có thêm Ủy ban Tài chính ngân sách nắm rõ chứ chúng tôi không có thông tin cụ thể, rằng năm nay nạo vét rồi đến năm sau có bị bồi lấp không”, ông dẫn chứng.
“Người quyết định chủ trương đầu tư và người quyết định thực hiện dự án là một hay thế nào? Sai thì trách nhiệm ra sao, tại sao lại sai và quyền của người quyết định đầu tư đến đâu, quyền nắm thông tin thế nào… tất cả luật phải phân định rõ”, đại biểu Đương kiến nghị.
Chia sẻ với các đại biểu về mong muốn quy rõ trách nhiệm cho người quyết định đầu tư hay thực hiện dự án gây thất thoát, kém hiệu quả, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Quyết định chủ trương và quyết định thực hiện dự án là 2 việc khác nhau, cần phải minh bạch trong luật. “Ví dụ có dự án nhóm A Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo nghị quyết 49, song Thủ tướng lại là người quyết định thực hiện dự án. Tương tự, có dự án hội đồng nhân dân quyết định chủ trương còn chủ tịch UBND là người quyết định thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông, ngay cả trong trường hợp Quốc hội hay Hội đồng nhân dân quyết mà có sai sót thì cũng phải thận trọng trong xử lý trách nhiệm. Ông nói: “Vì đó là ý chí của tập thể, của toàn dân. Trước khi quyết cũng phải bàn đi bàn lại rất kỹ trên cơ sở các tờ trình của cơ quam tham mưu, ý kiến của những nhà khoa học… rồi mới bỏ phiếu”. Cho nên, theo Chủ tịch Quốc hội, nếu Quốc hội có quyết sai phải nhận khuyết điểm, cơ quan tham mưu trình lại chứ không thể đem 500 đại biểu ra kỷ luật được.
Chí Hiếu