- Được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, khi 27 tuổi, ông sẽ đóng góp gì cho Bình Định?
- Tôi rất vinh dự và tự hào vì được tín nhiệm vào Ban chấp hành Đảng bộ khoá XIX. Đó là sự ghi nhận, đánh giá công tác Đoàn trong thời gian qua và sự tin tưởng giao nhiệm vụ của cấp ủy Đảng cho thế hệ trẻ.
Trong thời gian tới, tôi sẽ đoàn kết cùng Ban chấp hành tỉnh đoàn tiếp tục thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết đại hội Đoàn toàn quốc, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh...; cụ thể hóa hai phong trào hành động cách mạng "Xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc", "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp".
Tôi cũng sẽ thực hiện một số phần việc mới như: ứng dụng sâu công nghệ thông tin vào công tác Đoàn, tương tác với Đoàn viên qua mạng di động, vận hành quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đưa Tổ hợp không gian khoa học Quy Nhơn vào hoạt động, xây dựng đảo thanh niên Cù Lao Xanh, đội tàu thanh niên đánh bắt xa bờ bảo vệ chủ quyền tổ quốc, tư vấn việc làm và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh...
- Gia đình có truyền thống lãnh đạo, bố là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông bị ảnh hưởng như thế nào?
- Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông nội tôi hy sinh năm 1969 - khi là Thường vụ tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Ông ngoại hy sinh năm 1972 - khi là huyện ủy viên, Chủ tịch mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang - do trực thăng Mỹ bắn. Còn ba tôi đã tham gia quân giải phóng miền Nam khi mới 12 tuổi, ông trực tiếp chiến đấu và 4 lần bị thương, hiện ba là thương binh 2/4.
Với truyền thống đó tôi luôn ghi nhớ, rèn luyện và cống hiến trong công tác của mình sao cho xứng đáng với các lớp cha anh đi trước đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống gia đình và xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ tỉnh Bình Định.
- Ước mơ nghề nghiệp của ông khi còn nhỏ là gì?
- Tôi không nhớ rõ vào độ tuổi nào mình bắt đầu đam mê với kỹ thuật, máy móc, khoa học và những công nghệ mới. Nhưng khi tôi bắt đầu ý thức được thì bản thân đã tò mò, thích thú với môn học này. Chính vì thế, khi đi học tôi chú trọng đến những môn liên quan đến kỹ thuật, khoa học cơ bản… và đam mê đó theo mình suốt thời gian học tập. Đó cũng là lý do tôi chọn ngành kỹ thuật hàng không chế tạo tại Đại học Brunel (Anh) và lấy bằng thạc sĩ ngành học này vào tháng 9/2011.
Cho đến nay, khi đảm nhận công tác Đoàn, tôi vẫn dành thời gian thực hiện đam mê của mình thông qua việc cập nhật kiến thức mới liên quan đến kỹ thuật động cơ. Và cũng như nhiều bạn trẻ khác, những lúc rảnh, tôi thích chơi thể thao, tìm hiểu, khám phá và đặc biệt thích tìm đến những bài thơ nổi tiếng để chiêm nghiệm.
- Bảy năm học ở nước ngoài với chuyên ngành kỹ thuật, vì sao ông quyết định về nước để hoạt động Đoàn?
- Ai cũng có ước mơ là thích ngành nào thì sẽ cống hiến lĩnh vực mình theo học, cá nhân tôi cũng thế. Tuy nhiên, phải nói công tác Đoàn đến với tôi như một cơ duyên. Thời gian học tập tại Anh Quốc, tôi có cơ hội tham gia vào hội sinh Việt Nam tại Anh. Khi đó tôi có nhiều cơ hội thử sức và nhận thấy bản thân có năng khiếu công tác Đoàn, hội. Thế nên sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tôi chọn về nước làm công tác Đoàn.
Trước khi đảm nhận chức vụ Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, tôi từng làm Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Anh. Về nước tôi nhận công tác tại Trung tâm hỗ trợ phát triển sinh viên Việt Nam, tham gia Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó trưởng ban thanh niên trường học Trung ương Đoàn.
Tôi được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các lớp cán bộ Đoàn đi trước, kiến thức có được từ những cách làm hay, ý tưởng mới khi công tác ở trung ương Đoàn. Có thời gian làm quen với nhiều người trẻ nên khi tiếp nhận công tác về Bình Định, cơ bản tôi không gặp quá nhiều khó khăn.
- Ông ứng dụng được gì từ ngành học kỹ thuật vào công tác hiện nay?
- Học về kỹ thuật trang bị cho tôi phương pháp tiếp cận vấn đề một cách logic và đó cũng là kỹ năng rất quan trọng đối với người cán bộ Đoàn. Cá nhân tôi thấy giữa công việc trong ngành kỹ thuật và công tác Đoàn cũng có mối liên hệ. Việc có kiến thức về kỹ thuật giúp tôi tiếp cận nhanh hơn và có tham mưu về phong trào đúng đắn, hợp thời đại hơn.
Ví dụ như Đề án đội tàu thanh niên đánh bắt xa bờ và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tỉnh đoàn sẽ là cầu nối giữa ngư dân, nhà sản xuất và cấp lãnh đạo tìm ra phương pháp phát triển đội tàu sao cho hiệu quả kinh tế cao hơn, bảo vệ được vùng biển ngư trường của ta tốt hơn và phù hợp với kỹ thuật đánh bắt truyền thống của thanh niên ngư dân Bình Định. Tỉnh đoàn muốn tham mưu thì cần nắm bắt rõ về mặt kỹ thuật.
Thứ hai là, xuất phát từ thực tế cho thấy việc tìm hiểu khoa học kỹ thuật của thanh niên còn hạn chế, thời gian qua, với sự hỗ trợ của giáo sư Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc, tôi đã đề xuất một công trình tổ hợp không gian khoa học với mong muốn giúp thanh niên Việt Nam được tiếp cận, gặp gỡ những kiến thức khoa học kỹ thuật, những nhà khoa học hàng đầu thế giới để đưa khoa học nước nhà đi lên. Năm 2020 đất nước ta sẽ cơ bản là nước công nghiệp hiện đại, muốn như vậy thì thế hệ trẻ phải đi đầu trong việc làm chủ khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Sinh năm 1988, ông Nguyễn Minh Triết tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh. Cuối tháng 6/2014, khi đang là Phó Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển sinh viên Việt Nam, ông được Ban bí thư Trung ương Đoàn cử về làm Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, nhiệm kỳ 2013-2017. Cuối năm đó ông Triết được Trung ương Đảng chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015. Ông Nguyễn Minh Triết là con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
Phương Thảo