Tại cuộc làm việc giữa Bộ Nông nghiệp với UBND TP Hà Nội sáng 16/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố không kiến nghị với Bộ Nông nghiệp hạ cốt đê của sông Hồng. "Hà Nội đang xin ý kiến Bộ thay đoạn đê từ trước cửa khách sạn Thắng Lợi đến An Dương bằng đê bê tông”, ông Chung nói.
Video: Chủ tịch Hà Nội nói không kiến nghị hạ cốt đê sông Hồng.
Theo Chủ tịch Hà Nội, thực tế từ cửa Phúc Tân cho đến An Dương đã làm đê bê tông rồi, nếu làm tiếp theo phương án thành phố đề xuất thì kiến trúc cầu An Dương sẽ đẹp và cân đối.
Lãnh đạo thành phố cho biết, khi chuyển đê đất sang đê bê tông thì mở rộng được 2 làn đường mỗi bên 3,7 m. Thành phố đã tổ chức xin ý kiến người dân từ khách sạn Thắng Lợi đến An Dương, được sự đồng tình rất cao vì tạo sự thông thoáng, giảm độ dốc.
Liên quan khả năng chống lũ, ông Chung cho rằng, những nghiên cứu từ trước đây là chưa có các thủy điện trên sông Đà, sông Lô và sông Hồng. Hơn nữa, khu vực nêu trên ở ngoài đê dân đã xây nhà kín, mặt đê bê tông không chịu áp lực trực tiếp của mực nước và sóng nước khi nước nâng cao. "Hoàn toàn có thể chịu đựng được”, Chủ tịch Hà Nội khẳng định và cho biết thành phố mong muốn Bộ Nông nghiệp sớm có ý kiến để có thể triển khai dự án này.
Về phía đại diện Bộ Nông nghiệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi Trần Quang Hoài cũng cho biết Hà Nội chỉ đề xuất thay đổi kết cấu đê, không phải hạ cốt đê.
"Thông tin Hà Nội đề xuất hạ cốt đê khiến dư luận phản ứng, bởi từ vị trí đê đó vào trung tâm rất gần, sẽ tiềm ẩn nguy cơ khi hồ Hoà Bình xả lũ. Do đó, cần phản ánh chính xác thông tin, nếu không sẽ gây bức xúc dư luận", ông Hoài nói.
Trước đó ngày 24/1, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp, trong đó nêu đề nghị Bộ “thống nhất phương án hạ cốt đê đến cao độ + 12,4 m”. Thông tin này sau đó đã nhận được nhiều ý kiến bình luận khác nhau.
Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, hệ thống đê của thành phố trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có chiều dài trên 230 km từ đê cấp II đến cấp đặc biệt. Nhiều tuyến đê kết hợp mặt đê là đường giao thông chính liên tỉnh, liên huyện với mật độ giao thông lớn. Những năm qua, trung ương và thành phố đã đầu tư duy tu, sửa chữa bảo đảm mặt cao trình chống lũ; xây dựng hành lang để phục vụ công tác phòng, chống lũ bão. Tuy nhiên trên hệ thống đê sông Hồng, sông Đà, sông Đuống còn nhiều đoạn chưa bảo đảm mặt cắt, mặt đê chưa đáp ứng được yêu cầu giao thông đi lại, một số đoạn còn tiềm ẩn những ẩn họa, trong khi các tuyến đê này là các tuyến đê cấp đặc biệt và cấp I. |
Võ Hải