Ngày 29/8, tại hội thảo về xây dựng nghị định cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết quan điểm xây dựng văn bản này là "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".
Theo ông, vừa qua nhiều nơi triển khai cơ chế một cửa nhưng thời gian chờ đợi, trả kết quả hồ sơ còn kéo dài; việc chọn người cho bộ phận này chưa tương xứng. Vì vậy, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở địa phương còn thấp, khiến người dân phải đi lại nhiều lần, "thậm chí có tình trạng nay cán bộ nói bổ sung cái này, hôm sau lại yêu cầu cái khác".
Ông Dũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo mở kênh trực tuyến kết nối Chính phủ với doanh nghiệp và người dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, do người đứng đầu Văn phòng Chính phủ chủ trì. Trong đó, kênh “Chính phủ với người dân” có công cụ để người truy cập đánh giá, cho điểm kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền; hiện kênh “Chính phủ với doanh nghiệp” đang được yêu cầu viết lại phần mềm theo hướng này.
"Nếu giải quyết các kiến nghị không tốt, người dân sẽ cho điểm kém với cơ quan quản lý nhà nước. Đó là động lực thúc đẩy chất lượng giải quyết công việc. Như Thủ tướng nhiều lần đã nói, không thể ngứa ở đầu mà gãi chân. Nếu ngứa đầu mà gãi chân thì dân sẽ đánh giá điểm rất xấu", ông Dũng nói.
Với tinh thần "dân chấm điểm" này, dự thảo nghị định đã tạo phương thức thực hiện thủ tục hành chính đa dạng cho người dân, minh bạch quá trình giải quyết để người dân giám sát, và đặc biệt là đảm bảo sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong việc đánh giá chất lượng cơ quan hành chính nhà nước.
Bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cao cấp chương trình Oxfam tại Việt Nam cho rằng, phương thức nêu trên sẽ là những điểm mới then chốt, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.
"Cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm trong cải cách hành chính là tư duy hiện đại, phù hợp với vai trò và chức năng của Chính phủ kiến tạo", bà Hương nói.
Tuy nhiên, theo bà Hương, các đại biểu ở hai hội thảo tham vấn ý kiến ở Đà Nẵng và TP HCM phản ánh sự tham gia của người dân vào đánh giá, giám sát dịch vụ hành chính công chưa nhiều. Các cơ quan công quyền chưa thu thập được ý kiến phản hồi của người dân để cải cách dịch vụ, hoặc việc ghi nhận ý kiến người dân mang tính hình thức.
"Thực tiễn cho thấy các yếu tố của quản trị công tốt, cũng như sự tham gia của người dân vào đánh giá chỉ được thực hiện đầy đủ và toàn diện khi hệ thống một cửa giải quyết các thủ tục hành chính là hệ thống điện tử", bà Hương nói.