- Hơn 14 năm làm đại biểu Quốc hội, ông cảm nhận gì về cuộc bầu cử lần này?
- Hội đồng bầu cử quốc gia chưa thông báo kết quả chính thức nhưng một số địa phương đã công bố. Tôi cho rằng không có bất ngờ quá lớn. Tôi được biết trong 197 người do trung ương giới thiệu nhiều vị không trúng cử.
Qua một vài cuộc bầu cử gần đây và nhất là lần này, nhiều ứng viên giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị có số phiếu bầu trên dưới 80%. Bây giờ điều đó là bình thường nhưng phải lưu ý rằng kết quả đó khác xa thời kỳ trước, khi chúng ta thường đưa ra những tỷ lệ gần như tuyệt đối (100%).
Kết quả bầu cử cho thấy sự thay đổi, phản ánh phần nào mối quan tâm của người dân. Họ ý thức rõ tham gia bỏ phiếu trước hết vì quyền lợi của chính mình.
- Ở đơn vị bầu cử ông tham gia, sự thay đổi thể hiện thế nào?
- Đơn vị của tôi có 6 người chọn 3, vậy mà người dân chỉ bầu 2. Đồng Nai là một trong những nơi lẽ ra có 12 đại biểu, song hiện thiếu một vị. Nhiều địa phương khác cũng có hiện tượng bầu thiếu như vậy. Điều đó là đáng tiếc với các ứng cử viên, nhưng phản ánh sự lựa chọn của người dân.
Tham gia đến nhiệm kỳ thứ tư, theo dõi tính liên tục của các cuộc bầu cử, tôi thấy rõ xu hướng dân chủ. Nhưng tôi hiểu, người dân vẫn đòi hỏi nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn.
- Khá cao tuổi so với đa số đại biểu ứng cử, ông có phương châm gì để được cử tri liên tục tín nhiệm?
- Tôi không có bí quyết nào ngoài hành động của mình. Tôi không tranh cử bằng lời hứa.
Cách đây 14 năm, tôi trình bày với cử tri rằng chưa biết Quốc hội như thế nào nên không dám hứa. Hứa mà không thực hiện được là điều tối kỵ. Tôi chỉ nói sẽ giữ đúng phẩm cách người làm báo, làm sử. Đó là trung thực, ngay thẳng, không nể nang, né tránh. Lần này, tôi vẫn giữ cách tiếp cận như vậy.
Chúng ta không cần thiết đưa ra những lời hứa chung chung, to tát, nhưng phải ý thức được rằng sẽ làm gì cụ thể cho dân. Cử tri ngày càng đòi hỏi những việc làm cụ thể.
- Ông từng chất vấn trước diễn đàn Quốc hội về văn hoá từ chức với người đứng đầu Chính phủ, nếu bị “vỗ vai” hay gợi ý "bớt gai", ông sẽ làm gì?
- Khi hành động, tôi suy nghĩ về trách nhiệm và quyền năng của mình, về đối tượng mà mình đóng góp. Chưa hề có sức ép tiêu cực nào với tôi song tôi nhận ra nếu thẳng thắn trên cơ sở thành tâm thì hiệu ứng sẽ tích cực.
Thực ra, áp lực lớn nhất với tôi là từ bên trong chứ không phải bên ngoài. Tôi luôn tự hỏi mình làm như thế đúng không, nếu thấy đúng rồi thì không có gì phải kiêng dè. Ví như lần tôi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về văn hoá từ chức. Tôi chất vấn không phải yếu tố cá nhân và vì thế tôi với ông Dũng vẫn có nhiều ấn tượng tốt đẹp. Tôi không có lợi ích nào ngoài lợi ích của cử tri. Tất nhiên trong cuộc sống thì đôi khi có sự nể nang, đó là văn hoá của người Việt, vì vậy tôi quan niệm mình góp ý nhưng phải nói sao cho người nghe tiếp thu được.
- Ông trả lời sao nếu cử tri nhận xét ông khôn khéo?
- Nhận thức xã hội là khác nhau, có người còn nói nặng nề hơn, ví dụ họ cho là tôi cơ hội. Bên cạnh đó cũng có nhiều cử tri gọi điện, nhắn tin, gửi thư khen tôi. Tôi chú ý đến các lời khen và lời chê, nhưng không coi đó là yếu tố quyết định. Vấn đề là làm đúng lương tâm, đúng trách nhiệm đại biểu của mình.
- Gần đây, các sự kiện thời sự trong nước và đối ngoại phần nào cho thấy cách người dân thể hiện quan điểm chính trị của họ. Ông nhận xét gì về điều này?
- Cuộc sống sẽ đi tới, đó là quy luật tất yếu. Ví dụ về Luật biểu tình, Quốc hội khoá trước đã sẵn sàng, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giao các bộ ngành liên quan, vấn đề là chúng ta triển khai chậm. Chúng ta chỉ có thể phát triển một cách bền vững nếu trong ấm ngoài êm.
Chúng ta phải đặt cao hơn nữa củng cố nội bộ, củng cố lòng tin và đoàn kết, khi mà thách đố từ bên ngoài cả về chủ quyền, biển đảo cũng như về kinh tế ngày càng lớn. Đây là lúc người Việt càng phải cố kết nhau lại. Tất nhiên muốn làm việc đó, Nhà nước phải là hạt nhân, nếu xã hội phân tâm sẽ là điều nguy hại.
- Ông từng nói phiếu thấp hay cao với quan chức là chuyện bình thường. Ông nghĩ sao nếu việc bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới (tháng 7) có thể giữ cách tiếp cận như vậy?
- Nên xem điều đó là bình thường. Một chính khách phải có quan điểm của mình. Người nào càng làm nhiều thì dễ bộc lộ những yếu tố mà một bộ phận dân chúng, một bộ phận cử tri không thích. Tỷ lệ bầu quá bán có thể coi là thành công.
Tất nhiên tỷ lệ phiếu ít nhiều hàm chứa các thông điệp. Phiếu thấp là lời nhắc nhở phải nỗ lực hơn. Chúng ta nên phân tích từng trường hợp cụ thể, đây là việc rất cần thiết để cho thấy các lá phiếu gửi gắm điều gì.
Việc kiện toàn nhân sự vừa qua giúp chúng ta có một khoảng thời gian đánh giá các nhân sự mới. Ví dụ đánh giá Bí thư Đinh La Thăng ở TP HCM còn ý kiến khác nhau, nhưng ít nhất anh ấy là người vào cuộc. Khi đã vào cuộc thì phải chịu trách nhiệm về việc mình làm, chứ không ẩn mình trong tập thể và nó buộc mọi người ủng hộ hay không ủng hộ phải bộc lộ ra.
Tôi đánh giá cao những người hành động và tôi cũng là người thích hành động.
Ông Dương Trung Quốc, 69 tuổi, là Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và nay và là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp các hội hữu nghị Việt nam. Theo kết quả bầu cử khóa 14, ông trúng cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp tại tỉnh Đồng Nai với hơn 74% phiếu bầu. Ông được biết đến với những chất vấn nghị trường thẳng thắn, gai góc, đi sâu vào các vấn đề xã hội, dân sinh, pháp lý. |
Vinh An