Chiều 8/3, tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 do Thành ủy TP HCM tổ chức, ông Đinh La Thăng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế. Tội phạm tham nhũng diễn ra tinh vi, phức tạp hơn. Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, nhiều vụ việc xử lý kéo dài gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Theo ông Thăng, có những trường hợp cơ quan chức năng gây khó khăn, nhũng nhiễu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Điển hình như việc một doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép khi về đến cảng bị Hải quan yêu cầu tháo rời ra để đưa đến một trung tâm do Hải quan chỉ định để kiểm định, trong khi chỉ cần cán bộ Hải quan đưa máy đến cảng là có thể kiểm định được ngay.
Hay như trường hợp một bệnh viện ở Củ Chi đã xây dựng xong mấy năm nay nhưng không có thiết bị y tế vì phải chờ Sở Y tế đấu thầu tập trung. "Đó có phải là lãng phí, tham nhũng không?", ông Thăng giọng bức xúc và yêu cầu chậm nhất từ tháng 4 Sở Y tế phải trả lại quyền tự chủ cho các bệnh viện. "Không thể chấp nhận tình trạng tiền của các bệnh viện mà họ không được tự chủ, phải chuyển lên Sở Y tế để chờ đấu thầu".
Ông Thăng đề nghị phải công khai, minh bạch các khoản thu chi của thành phố về các lĩnh vực y tế, môi trường, giao thông, cây xanh... cho người dân biết để cùng giám sát, phản biện xã hội.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, để phòng chống tham nhũng, lãng phí, phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. "Đừng nghĩ tham nhũng chỉ ở chỗ khác mà cơ quan, đơn vị mình không có. Người đứng đầu đơn vị phải có trách nhiệm rà soát ngay tại cơ quan, địa phương mình và nhất là trong bản thân mỗi người cán bộ, đảng viên", ông chỉ đạo.
Người đứng đầu Thành ủy cũng đề nghị, xử lý ngay cán bộ sai phạm, có dư luận xấu. Đẩy nhanh công tác điều tra, khởi tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực nhằm đem lại sự công bằng, niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. "Tuy nhiên, không được lạm dụng hình sự hóa các vụ việc dân sự", ông lưu ý.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an thành phố cho rằng, những giải pháp hiện nay chưa đủ ngăn ngừa tham nhũng. Một số biện pháp là ảo. Theo tướng Minh, hiện có 5 lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tiêu cực lớn. Trong đó, đứng đầu là lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, 50% vụ buôn lậu tại thành phố đằng sau là bóng dáng của nhân viên hải quan. Tiếp đó là ngân hàng, cho thuê tài chính, phê duyệt dự án và quản lý quỹ xóa đói giảm nghèo.
Trước đó, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Trần Thế Lưu cho biết, trong năm qua chưa có trường hợp phải xử lý về hành vi tham nhũng đối với diện do Ban thường vụ Thành ủy quản lý. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp ở quận huyện, sở ngành vi phạm quy định trong việc thực thi công vụ đã được xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định,
Điển hình như vụ bà Lại Thị Kim Khánh, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư (Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố) đòi 15.000 USD để thực hiện thủ tục cấp giấy phép đầu tư nước ngoài. Đảng ủy, Ban giám đốc Sở đã xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo về mặt chính quyền, thi hành kỷ luật đảng viên đối với bà Khánh bằng hình thức cảnh cáo.
Vụ nhân viên chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Tân Thái Quốc Bình, Quận ủy, UBND quận Bình Tân đã xử lý cảnh cáo về chính quyền đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan... như khiển trách ông Nguyễn Thanh Minh - nguyên trưởng phòng, cảnh cáo bà Nguyễn Thanh Nga - phó trưởng phòng...
Về mặt đảng đã phê bình, rút kinh nghiệm đối với cán bộ là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo phòng quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, văn phòng đăng ký đất đai văn phòng UBND quận Bình Tân. Hiện, Bình đang bị quận điều tra.
Bên cạnh đó, công an thành phố qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cao đã xử lý kỷ luật 98 cán bộ, chiến sĩ do sai phạm có liên quan đến hành vi và dấu hiệu tham nhũng. Xử lý trách nhiệm liên đới đối với 22 chỉ huy với các hình thức cắt, hạ thi đua, phê bình rút kinh nghiệm; Cảnh sát PCCC thành phố đã giáng cấp một cán bộ phòng cảnh sát PCCC quận Bình Tân vì có hành vi vòi vĩnh.
Hữu Công