Trao đổi với các nhà khoa học bên lề hội nghị lãnh đạo thành phố gặp gỡ trí thức sáng 20/12, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho rằng, các chuyên gia cần chủ động công bố những công trình mình đã làm được, đề xuất những sáng kiến hay cho thành phố.
Ông Thăng khẳng định, nhiều vấn đề dân sinh, xã hội của thành phố đang đặt ra những câu hỏi khó, rất cần đội ngũ trí thức giải đáp, góp sức cho sự phát triển chung.
Trước ý kiến của một chuyên gia trong cuộc trao đổi rằng, giới nghiên cứu thường khá khiêm tốn, ngại "khoe" những công trình nghiên cứu nên khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để thực thi đề tài, ông Thăng khuyên họ nên quyết liệt, táo bạo hơn. "Các anh là nhà khoa học phải giống như huấn luyện viên Mourinho, trong đội bóng thì chỉ một mình anh là ngôi sao, phải mạnh dạn và quyết đoán", ông Thăng ví von.
Trước đó, phát biểu trước hàng trăm nhà khoa học của thành phố, ông Thăng khẳng định những thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội của TP HCM hơn 40 năm qua đều mang dấu ấn từ những đóng góp của đội ngũ trí thức. Nhiều vấn đề môi trường, xã hội, giáo dục... của thành phố cần tư duy, trí tuệ của những nhà khoa học.
"Bao giờ thì thành phố hết ùn tắc giao thông, bao giờ thì người dân được chăm sóc y tế tốt?", người đứng đầu Thành ủy TP HCM đặt hàng giới trí thức.
Ông Thăng đề nghị chính quyền thành phố có chính sách phát triển khoa học công nghệ theo quy hoạch, từ đầu tư, đặt hàng, hình thành các mô hình liên kết. Cần tránh hiện tượng nhiều đề tài làm xong nhưng không áp dụng được vì vướng cơ chế.
"Phải nghiên cứu để các thủ tục đơn giản, hạn chế những nhiêu khê, rườm rà để các nhà khoa học có thời gian tập trung nghiên cứu", ông Thăng chỉ đạo.
Tại hội nghị, nhiều nhà khoa học nêu những băn khoăn về chính sách thu hút nhân tài và sử dụng nhân lực có trình độ hiện nay của thành phố.
PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, để thu hút được trí thức Việt kiều từ nước ngoài về thì chính sách tiền lương là quan trọng nhất. Chỉ khi nào trí thức không phải lo toan quá nhiều về cuộc sống thì họ mới có nhiều thời gian cống hiến cho công việc, sáng tạo ra nhiều điều mới mẻ.
Theo ông Phong, giữa nhà quản lý và nhà khoa học đang có một khoảng trống và muốn khỏa lấp nó, phải coi trọng khoa học quản lý. "Nhà khoa học tìm ra giải pháp cho các vấn đề xã hội, cuộc sống đặt ra. Song, nhà quản lý lại đặt câu hỏi tính khả thi, thời gian và chi phí cho các giải pháp đó. Thời gian qua, hai bên chưa thực sự kết nối với nhau", ông Phong bày tỏ.
Đại diện cho tầng lớp trí thức trẻ, PGS.TS Đặng Thị Hồng Tươi (giảng viên Đại học Y dược TP HCM) nêu nhiều khó khăn của đội ngũ này trong thời kỳ hội nhập.
"Một số bạn trẻ còn bỡ ngỡ, chậm và chưa năng động khi làm việc với đối tác ở các nước phát triển. Một số bạn lại mất phương hướng, bỡ ngỡ khi trở về làm việc ở thành phố do thay đổi hoàn cảnh, môi trường", bà Tươi nói và mong lãnh đạo thành phố có những định hướng rõ ràng cho những người trẻ làm khoa học phát huy tốt nhất chất xám, tuổi trẻ cho sự phát triển chung.
Mạnh Tùng