Sáng 3/3, làm việc với khu Công nghệ cao (CNC) TP HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khá chăm chú khi nghe đại diện Ban quản lý khu CNC báo cáo tình hình hoạt động. Tỏ ra sốt ruột, ông Thăng nói rằng, thành phố đang lấy Khoa học Công nghệ (KHCN) làm đầu tàu kinh tế trong việc chuyển hướng từ chiều rộng sang chiều sâu thì phải có mục tiêu cụ thể.
"Phải đặt ra mục tiêu cụ thể chứ trừu tượng suốt vậy không được. Tất cả, chúng ta đều có cả, chỉ thiếu lửa thôi. Phải đốt lên ngọn lửa nhiệt huyết", ông Thăng nhấn mạnh.
Về việc Khu CNC ra đời đã 13 năm nhưng chỉ thu hút được 4 tỷ đôla đầu tư từ nước ngoài, ông Thăng cho là quá thấp. Dẫn chứng tỉnh Bắc Ninh năm ngoái thu hút được 23 tỷ đôla, Thái Nguyên 5-6 tỷ nhưng hai tỉnh này đều không có Khu CNC, ông nói: "Phải xem lại cơ chế thiếu cái gì chứ như vậy là không được".
Về việc này, ông Lê Hoài Quốc - Trưởng ban quản lý Khu CNC - cho rằng, Bắc Ninh và Thái Nguyên thu hút đầu tư nhiều hơn vì không làm công nghệ cao, chỉ thu hút các nhà đầu tư đến đặt xưởng sản xuất. "Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở đó không nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ. Ở TP HCM hoàn toàn khác, các doanh nghiệp nước ngoài phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nữa", ông Quốc giãi bày.
Tuy nhiên, Trưởng ban quản lý Khu CNC cũng thừa nhận việc phát triển KHCN ở thành phố còn yếu, bày tỏ mong muốn thành phố có các chính sách tập trung hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư.
Trở lại những vấn đề phát triển KHCN, Bí thư Đinh La Thăng nêu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 10 có đề cập việc KHCN còn yếu kém do chưa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
"Tôi nói thế này, kinh tế giờ đang phát triển theo chiều sâu để cạnh tranh với khu vực, thế giới nhưng KHCN chưa trở thành động lực thì phải làm thế nào, vai trò ra sao. Muốn thành đầu tàu thì cần cơ chế, giải pháp gì. Tôi yêu cầu đồng chí Giám đốc sở KHCN lưu ý để đề xuất", ông Thăng nói.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KHCN - cho rằng, ngân sách thành phố dành cho hoạt động KHCN hàng năm khoảng 2% nhưng trong đó có đến 80% trong đó dùng để giải phóng mặt bằng, hạ tầng; chỉ 7% đầu tư thực chất cho nghiên cứu nên gặp nhiều khó khăn.
"Khó khăn như vậy sao không đề xuất cơ chế giải quyết. Chẳng hạn trong 2% đó thì 50-60% dành cho nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng. Các anh phải đề xuất chứ không thể kêu khó như vậy được", ông Đinh La Thăng chất vấn.
Về kế hoạch phát triển ngành này trong thời gian tới, Khu quản lý CNC và Sở KHCN vẫn chưa trình UBND TP HCM. Ông Thăng truy thời gian thì đại diện hai đơn vị lý giải lòng vòng, chưa thống nhất. Bí thư Thành ủy đã tỏ ra không hài lòng: "Trong các kết luận thấy các anh toàn nói tăng cường, tích cực, khẩn trương, chờ thành phố. Các anh nói đang trình thành phố, Bộ Khoa học Công nghệ. Tôi muốn biết bao giờ xong chứ đừng nói chủ trương nữa".
Cuối buổi làm việc, ông Thăng nói rằng, báo cáo của khu CNC dù rất chi tiết, công phu nhưng thiếu chiến lược, chưa thể hiện quyết tâm, sự đột phá phát triển CNC mà thành phố đưa ra. Ông yêu cầu Khu CNC và các đơn vị liên quan phải đưa ra mục tiêu cụ thể; có chính sách phát triển, xã hội hóa phát triển chứ không phải trông chờ vào ngân sách.
"Các đơn vị không thể nói chung chung được. Tăng trưởng cao là thế nào, nâng cao chất lượng là như thế nào. Vai trò thực sự của công nghệ cao là phải tạo sự đột phá, đột biến, nhất là nằm ở trung tâm kinh tế - xã hội trọng điểm của cả nước", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Trong sáng nay, ông Thăng cũng thăm và làm việc với một số cơ sở nghiên cứu, sản xuất của nước ngoài đặt tại TP HCM.
>>Xem video: Ông Đinh La Thăng truy vấn lãnh đạo ngành công nghệ cao
Duy Trần