Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn sẽ tiếp tục ở mức cao (trên mức báo động III) từ ngày 18/10 với mức xấp xỉ 1,55 m vào sáng sớm và chiều tối. Tình trạng này được duy trì qua ngày tiếp theo.
Đến ngày 20/10, triều cường cao hơn vào buổi sáng và sẽ đạt đỉnh lúc 18h30 với 1,58m. Sau đó nước sẽ giảm dần nhưng vẫn ở mức cao trên 1,54 m.
Vào tháng 10 năm ngoái, mực nước sông Sài Gòn đã lập mức lịch sử, cao nhất từ trước đến nay khi đạt 1,62 m. Theo các chuyên gia, với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với việc lấn chiếm kênh rạch, san lấp như hiện nay thì mực nước sông Sài Gòn năm sau sẽ cao hơn năm trước nếu TP HCM không có giải pháp khắc phục hiệu quả.
TS Tô Văn Trường (nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) cho rằng, do địa hình tự nhiên của TP HCM vốn thấp, ven biển nên khi xuất hiện triều cường và mưa dông kết hợp, nguy cơ dồn ứ nước vào vùng thấp là rất lớn. Trong khi đó, nhiều kênh rạch tự nhiên đã bị san lấp làm giảm khả năng điều tiết. Các hiệu ứng tự nhiên ngày càng bất lợi cho việc thoát nước như biến đổi của lượng mưa, cường độ mưa (cả theo không gian và thời gian), triều dâng cao hơn, đất lún nhiều hơn...
Chống ngập được xác định là một trong 6 chương trình đột phá của TP HCM thực hiện trong giai đoạn đến năm 2015. Theo Trung tâm Chống ngập nước thành phố đến nay, nhiều công trình được đưa vào sử dụng và bước đầu phát huy hiệu quả chống ngập, đặc biệt trong mùa mưa năm nay. Tính đến cuối năm 2011, toàn thành phố có 31 điểm ngập, nhưng trong năm 2012 đã có 13 điểm ngập được xóa hoặc giảm đáng kể. Trong năm nay, tiếp tục triển khai giải quyết 7 điểm ngập khác. Theo kế hoạch, cuối năm nay thành phố chỉ còn lại 11 điểm ngập. Các điểm ngập này sẽ được xóa bằng các công trình thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2015.
Tuy nhiên, sau các cơn mưa lớn vừa qua nhiều tuyến đường tại TP HCM như Hòa Bình (quận 11), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Đồng Đen, Âu Cơ (Tân Bình), Tân Hóa (quận 6)... vẫn chìm trong biển nước. Nhiều nơi ngập sâu cả mét khiến người dân khốn đốn, giao thông bị ùn tắc, các em học sinh phải lội trong nước đen ngòm để đến trường.
Để chủ động phòng chống, ứng phó và giảm thiểu các thiệt hại do đợt triều cường này gây ra, các địa phương được đề nghị thực hiện nghiêm phương án ứng phó với tình trạng ngập úng do mưa lớn kết hợp triều cường. Đồng thời, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư các khu vực xung yếu, trọng điểm đã được cảnh báo để kịp thời ứng cứu, đặc biệt là các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn... Bên cạnh đó, Ban chỉ huy cũng yêu cầu Trung tâm điều hành chương trình chống ngập, Công ty Thoát nước đô thị, Sở Giao thông Vận tải, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố... sẵn sàng lực lượng để kịp thời khắc phục các sự cố ngập úng do triều cường và mưa lớn gây ra. |
Hữu Nguyên