- Tại buổi làm việc với Thành ủy TP HCM về công tác quản lý trật tự đô thị toàn thành phố, bà tuyên bố nếu không dẹp được tình trạng lấn chiếm vỉa hè "sẽ xin nghỉ cho người khác thay". Vì sao bà tự tin phát biểu như thế?
Tôi nói câu nói đó trong bối cảnh đặc biệt. Phường chúng tôi là một trong hai phường điểm (trong tổng số 332 phường xã) báo cáo tham luận, chia sẻ kinh nghiệm về công tác lập lại trật tự đô thị. Đứng trước hội nghị, tôi thấy tự hào và hạnh phúc về những gì phường làm, được lãnh đạo ghi nhận.
Cá nhân tôi cũng thấy áp lực khi nói ra câu nói đó, song tôi nghĩ sẽ biến điều này thành một quyết tâm chính trị. Nếu tôi làm không được thì nhường ghế cho người khác là tất nhiên.
Nhưng tôi không thể bán danh dự, lòng tự trọng mình được. Nói là phải làm, vạch rõ định hướng kế hoạch từng địa bàn cụ thể. Cả phường phải vào cuộc. Cán bộ đảng viên, công nhân viên là người làm gương trước rồi đến các hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên… Chúng tôi sẽ đi gõ cửa vận động từng tuyến phố, tổ dân phố để người dân chấp hành.
- Việc chấn chỉnh trật tự đô thị, dẹp loạn vỉa hè đã được TP HCM thực hiện nhiều năm nhưng không hiệu quả. Bà tự tin thế nào khi tuyên bố mạnh mẽ như vậy?
Sau khi báo chí đưa tin, người dân biết chủ trương của thành phố đã rất đồng tình ủng hộ. Nhiều người còn nhắn tin động viên, tiếp lửa cho tôi. Ý chí quyết tâm xây dựng phường văn minh, đường thông hè thoáng, đồng thuận với mong mỏi chung của tất cả cử tri. Khi dân và chính quyền đồng lòng thì không có lý do gì thất bại.
Tôi không thể chấp nhận bản thân mình làm không được mà vẫn hạ cánh an toàn. Truyền thống gia đình cũng không cho phép tôi thất bại trong nhiệm vụ này. Tôi không nói suông, kết quả sẽ trả lời.
- Bình Tân là quận vùng ven, có rất nhiều người nhập cư buôn bán nhỏ, làm công nhân... và được đánh giá là địa bàn phức tạp. Công tác chấn chỉnh trật tự đô thị ở đây thế nào?
Từ năm 2012, tôi làm Phó chủ tịch phường Bình Trị Đông B, phụ trách mảng đô thị. Chúng tôi đã thực hiện quyết liệt việc xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè tại đường Vành Đai Trong, Tên Lửa... và một số nơi khác. Ban đầu phường nhắc nhở, những hộ nào không chấp hành chúng tôi cưỡng chế. Mỗi năm phường xử phạt gần 1.500 vụ lấn chiếm vỉa hè, thu ngân sách gần 500 triệu đồng.
Quận Bình Tân đã quyết liệt thực hiện công tác chấn chỉnh vi phạm trật tự đô thị từ ngay sau Tết Đinh Dậu. Phường Bình Trị Đông B có nhiều kinh nghiệm và chúng tôi tự tin sẽ thành công trong việc này.
Kế hoạch sắp tới của phường rất rõ ràng. Trong quý 1 chúng tôi làm ở 7 tuyến đường do quận giao và phường tự chọn, các nơi còn lại sẽ giao cho từng khu phố chịu trách nhiệm, đến cuối năm phải xong. Đây là tiêu chí để phường đánh giá cán bộ có hoàn thành nhiệm vụ năm hay không. Phân công trách nhiệm như vầy, mọi người cùng quyết tâm thì sẽ thành công.
>> Video: Bà Tín yêu cầu xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè
- Trước đây phường đã quyết liệt nhưng vì sao tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra?
Phường Bình Trị Đông B có đến 60.000 người, tương đương dân số của cả quận 4; 100 tuyến đường, 190 hẻm... gần bằng cả quận 1. Đa số các cơ sở kinh doanh trên địa bàn đều hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm.
Hồi trước chúng tôi làm quyết liệt, xử lý mạnh tay nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè tái diễn là do không có tính đồng bộ ở quận, thành phố. Có những con đường bên này là phường chúng tôi, bên kia là phường khác hay quận khác. Chúng tôi dẹp bên này thì người dân so bì, nói "bên kia chẳng sao". Hoặc chúng tôi xử lý, họ di chuyển hết qua bên đường - nơi chúng tôi không có thẩm quyền - thì đành chịu.
Thực tế, phường chúng tôi làm quyết liệt nhưng lâu nay cũng "rất cô đơn" - giống như cách nói của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về trường hợp đồng chí Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch quận 1. Tuy nhiên, lần này cả nước đồng loạt ra quân mạnh mẽ, tôi tôi tin rằng chiến dịch đòi lại vỉa hè cho người đi bộ sẽ thắng lợi. Và việc này muốn thành công phải "mưa dầm thấm lâu", không được buông, bỏ lơ sẽ dễ thất bại.
Hoài Nhơn