Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ năm, 27/10/2016, 15:59 (GMT+7)

Trà Shan Tuyết Hà Giang - món quà quý từ thiên nhiên

Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất Hà Giang bầu khí hậu mát mẻ cùng nguồn nước sạch dồi dào, phù hợp để phát triển giống chè đặc sản Shan Tuyết.

Những làn sương và mây mù quanh năm bao phủ tại mảnh đất Hà Giang khiến trên mỗi chiếc lá chè đều được phủ một lớp lông to mịn màng, trắng như tuyết. Đây cũng là lý do mà cái tên đầy thi vị "Shan Tuyết" được đặt cho loại chè này. Hiện nay, chè Shan Tuyết được trồng ở nhiều huyện thuộc tỉnh Hà Giang như Bắc Quang, Vị Xuyên. Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Cây chè cổ thụ Shan Tuyết có tuổi thọ hàng trăm năm nên thân và cành cây rất vững chãi. Ảnh: vepr

Cây chè cổ thụ Shan Tuyết có tuổi thọ hàng trăm năm nên thân và cành cây rất vững chãi. Ảnh: vepr.

Hiếm có nơi nào mà những cây chè cổ thụ lại to lớn như ở Hà Giang. Thân cây lớn đến nỗi một vòng tay người lớn ôm cũng không xuể. Trên thân và cành phủ một lớp địa y trắng mốc. Cành cây vươn dài vững chãi và chắc chắn. Dù có cả chục người trèo lên cây để hái chè cũng không lo bị gãy.

Từ lâu, người dân trồng chè ở Hà Giang đã biết sử dụng các loại thảo mộc để điểu chế ra thuốc bảo vệ thực vật cho cây chè chống lại sâu bệnh, mà không dùng đến hóa chất độc hại. Bởi vậy, chè phát triển tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường cũng được bảo vệ.

Đồi chè rộng bát ngát tại Hà Giang. Ảnh: bizmedia

Đồi chè rộng bát ngát tại Hà Giang. Ảnh: bizmedia.

Từ khâu hái chè đến khi ra thành phẩm, người dân đều phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt. Cụ thể, khi hái chè, người ta phải chọn những búp tươi non, không sâu bệnh. Trong quá trình chế biến, người công nhân phải mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và găng tay, đảm bảo vệ sinh.

Ngoài ra, tại Hà Giang còn có phong tục không hái chè vào 3 ngày âm lịch cố định trong năm, đó là ngày "Thần Sấm" 1/3, ngày "Thần Gió" 20/1 và ngày "Lợn Rừng" 3/3. Theo truyền thuyết, nếu người dân hái chè vào những ngày này thì lá chè sẽ bị hỏng, mất đi vị ngon vốn có.

Nước trà có màu vàng như mật ong, mới uống sẽ thấy đắng nhưng sau đó lại thấy ngọt. Ảnh: thiensontra

Nước trà có màu vàng như mật ong, mới uống sẽ thấy đắng nhưng sau đó sẽ cảm nhận được vị ngọt. Ảnh: thiensontra.

Với quy trình nghiêm ngặt, sự tận tâm của người trồng và sản xuất, thành phẩm chè Shan Tuyết đến tay người tiêu dùng luôn sạch, thơm ngon mà không cần sử dụng bất cứ phụ gia làm tăng mùi vị. Chén nước chè Shan Tuyết có màu vàng như mật ong và cả một chút "tuyết" của lá trà trôi bồng bềnh trên mặt nước. Nhấp một chén trà đưa lên miệng sẽ cảm nhận được hương thơm dìu dịu rồi đến vị hơi đắng nơi đầu lưỡi. Nhưng vị ngọt thanh ngay sau đó sẽ lan tỏa khắp khoang miệng. 

Từ lâu, thưởng trà đã trở thành nét đẹp văn hóa trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt. Uống trà đúng cách còn có tác dụng tốt đến sức khỏe và sắc đẹp của người dùng. Người xưa từng nói, trà đắng mà tính hàn, trong âm có âm, tốt khi dùng để kháng lại tính hỏa. Hỏa là trăm bệnh, nhờ vậy, trăm bệnh tật có thể được thanh trừ.

Nếu có cơ hội đến Hà Giang một lần, bạn đừng quên thưởng thức một chén trà Shan Tuyết giữa đồi chè bao la.

Như Quỳnh

Năm 1996, chè Shan Tuyết Hà Giang được Cục quản lý chất lượng Lâm sản và Thủy sản , Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội chợ Quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam trao tặng bằng khen và chứng nhận an toàn thực phẩm.
Chia sẻ bài viết qua email