Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 25/10/2016, 16:42 (GMT+7)

Thưởng thức bánh tam giác mạch trên cao nguyên đá Hà Giang

Đưa một miếng bánh tam giác mạch nóng hổi lên miệng, nhấm nháp từng chút, bạn sẽ thấy vị hăng nhẹ và ngậy bùi đặc trưng của loại bánh chỉ có ở Hà Giang.

Thời điểm tháng 10 và đầu tháng 11 hàng năm là khoảng thời gian các du khách kéo nhau lên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang để ngắm nhìn cánh đồng hoa tam giác mạch. Khác với nhiều loài hoa, thời điểm đẹp nhất của tam giác mạch là khi đến độ sắp tàn. Lúc đó, hoa chuyển từ màu trắng sang màu hồng phớt rồi đỏ thẫm. 

Những cánh đồng hoa tam giác mạch không chỉ giúp người dân nơi đây thu hút khách du lịch mà còn cung cấp nguồn nguyên liệu để tạo ra lương thực, thực phẩm đặc sản. Tam giác mạch nơi đây được người dân chế biến khéo léo thành loại bánh và thứ rượu đượm hương vị.

Cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang. Ảnh: nguoichiase

Cánh đồng tam giác mạch ở Hà Giang là điểm đến của nhiều người mỗi dịp hoa nở. Ảnh: nguoichiase.

Hạt của cây tam giác mạch giàu chất dinh dưỡng không kém hạt gạo hay ngô với nhiều khoáng chất như sắt, kẽm, inositol, selen, tốt cho sức khỏe. Khi phát hiện ra giá trị dinh dưỡng của loại hạt này, nhiều mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã ra đời, thúc đẩy việc sản xuất các mặt hàng bánh kẹo, góp phần phát triển đời sống quê hương.

Một số cơ sở chế biến và sản xuất tam giác mạch đã được Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Những hợp tác xã này không chỉ đáp ứng đủ quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh mà còn không ngừng nâng cấp, trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại để giảm sức người và tăng năng suất. 

Bánh tam giác mạch thơm bùi được bán ở nhiều phiên chợ vùng cao Hà Giang. Ảnh: foody

Bánh tam giác mạch thơm bùi được bán ở nhiều phiên chợ vùng cao Hà Giang. Ảnh: foody.

Vào cuối mùa hoa tam giác mạch, người dân địa phương sẽ thu hoạch hạt cây rồi bán lại cho các hợp tác xã với giá khá cao. Điều này giúp người dân có thêm thu nhập. Loại hạt này rất nhỏ, chỉ bằng một nửa hạt đỗ đen. Vì được trồng trong tự nhiên nên tam giác mạch nơi đây không bị tác động bởi hóa chất độc hại.

Đến Hà Giang, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ dân tộc liên tục trở tay để nướng những chiếc bánh tam giác mạch to chừng hai bàn tay người lớn. Xé một miếng bánh nóng hổi đưa lên miệng, nhấm nháp từng chút một để có thể thấy được vị hăng đặc trưng và vị béo bùi đặc trưng của loại bánh chỉ riêng Hà Giang mới có. 

Hạt tam giác mạch chỉ bé bằng nửa hạt đậu đỗ. Ảnh: phuot.

Hạt tam giác mạch chỉ bé bằng nửa hạt đậu đỗ. Ảnh: phuot.

Để làm được chiếc bánh thơm ngon như vậy, người dân phải thực hiện qua nhiều công đoạn. Trước tiên, hạt tam giác mạch phải được phơi khô đủ độ rồi đem đi xay bằng tay. Quá trình xay cũng cần sự khéo léo để ra mẻ bột thật mịn, đều tránh bị lợn cợn sau khi chế biến. Người ta nhào bột đã xay với nước rồi đóng thành khuôn, đem đi nướng. Giá thành của sản phẩm sau khi ra lò nóng hổi là 10.000-15.000 đồng một chiếc bánh. Dù không cao giá như nhiều món hàng ở những nơi khác nhưng bánh tam giác mạch đang góp phần lớn vào sự phát triển ẩm thực, du lịch và kinh tế của vùng cao nguyên đá.

Nếu có dịp tới Hà Giang, bạn đừng quên mua những gói bánh tam giác mạch dẻo hay bánh tam giác mạch giòn về làm quà. Bên cạnh đặc sản này, vùng đất Hà Giang còn có nhiều loại bánh nổi tiếng khác như bánh ba kích, bánh khẩu mang, bánh cốm nếp hái giòn, bánh cốm nếp hái dẻo... 

Trang Linh

Chia sẻ bài viết qua email