Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ hai, 31/10/2016, 14:13 (GMT+7)

Thúc đẩy mô hình sản xuất mật ong sạch tại Quản Bạ

Với điều kiện thuận lợi cùng mô hình chăn nuôi tự nhiên, đảm bảo, chính quyền và người dân huyện Quản Bạ muốn đẩy mạnh sản lượng mật ong mỗi năm thay vì hơn 34 tấn như hiện tại. 

Nằm ở phía Bắc xa xôi của tỉnh Hà Giang, địa hình cao và khá hậu mát mẻ của huyện Quản Bạ phù hợp với sự phát triển của nhiều loại thảo mộc quý hiếm như tam thất, đương quy, bạc hà, ý dĩ, kim ngân... Đó cũng là lý do mà nhiều đàn ong mật đổ về đây để thụ phấn và tạo ra những giọt mật thơm ngon, đặc sánh.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà mật ong rừng Quản Bạ mang lại, người dân nơi đây đã cùng nhau chung sức phát triển loại đặc sản này. Đến nay, hơn 1.000 hộ tại Quản Bạ tham gia nuôi ong. Mỗi năm, toàn huyện thu được hơn 34 tấn mật, dự kiến sản lượng này sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

Mật ong Quản Bạ được nuôi hoàn toàn tự nhiên trong rừng núi đá. Ảnh: bizmedia

Mật ong Quản Bạ được nuôi hoàn toàn tự nhiên trong rừng núi đá. Ảnh: bizmedia.

Để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng với giá thành phải chăng, người dân Quản Bạ phải bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc. Họ đi sâu vào những khu rừng núi đá rộng lớn và nguy hiểm để tìm tổ của đàn ong mật. May mắn thì chỉ trong một ngày là người dân có thể tìm ra, còn không thì mất khoảng vài ngày.

Theo người dân nơi đây, chỉ những miếng sáp ong có nhiều nắp bị bịt kín mới được thu hoạch. Trái lại, những sáp ong không có nhiều nắp bịt kín thì chứng tỏ mật còn non, nếu thu hoạch sớm sẽ sinh ra vị chua, mật khó kết tinh. Ong mật ở Quản Bạ đều được nuôi hoàn toàn trong rừng, chúng tự thụ phấn làm mật chứ không được nuôi bằng đường như ở những nơi khác.

Sau khi thu hoạch sáp ong, người thợ sẽ dùng một dụng cụ đặc biệt để gạt bỏ lớp nắp đang phủ kín để mật ong sánh mịn trào ra. Khi tiến hành công việc, người thợ này cần đeo găng tay, khẩu trang và đội mũ.

thuc-dy-mo-hinh-san-xuat-mat-ong-sach-tai-quan-ba-1

Sau khi gạn bỏ lớp nắp trên sáp ong ra, những giọt mật vàng óng bắt đầu trào ra. Ảnh: bizmedia.

Tiếp theo, sáp ong sẽ được cho vào máy quay ly tâm để lấy mật. Loại máy này không chỉ lấy mật nhanh mà còn sạch sẽ, dễ dàng sử dụng. Sức người từ đó được giảm và năng suất được tăng cao. Tuy nhiên, mật ong lúc này vẫn chưa thực sự sánh mịn vì còn vương một chút sáp ong và những chú ong nhỏ. 

Ở công đoạn kế tiếp, người thợ dùng những mảnh vải màn đã được giặt sạch và phơi khô trong nắng ấm để lọc bỏ tạp chất. Công đoạn này rất quan trọng, vì nếu vải màn lọc mật ong không sạch sẽ thì chắc chắn mật sẽ bị hôi, không còn mùi thơm vốn có. Chính từ đây, thành phẩm là những giọt mật ong sánh mịn ra đời, sau đó mật được rót vào chai thủy tinh sạch để đem đi tiêu thụ.

Tất cả dụng cụ dùng để sản xuất mật ong đều được làm sạch và ngâm với nước muối, rồi úp ngược lại cho ráo nước ở những nơi khô thoáng sau mỗi lần sử dụng. Do đây là mật ong rừng nguyên chất nên nếu được bảo quản tốt thì sau vài năm độ kết tinh của mật vẫn lên đến 99%, không bị loãng hay chua.

Quay mật bằng máy quay ly tâm giúp bà con tiết kiệm thời gian và sức người. Ảnh: bizmedia

Quay mật bằng máy quay ly tâm giúp bà con tiết kiệm thời gian và sức người. Ảnh: bizmedia.

Tháng 7 vừa qua, Hội sản xuất và kinh doanh tỉnh Hà Giang được thành lập với mục đích bảo vệ thương hiệu mật ong của huyện Quản Bạ nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Khi tham gia tổ chức này, bà con còn được đóng góp ý kiến, trao đổi kinh nghiệm để tạo ra mô hình sản xuất mật ong khép kín.

Nhờ những nỗ lực trong việc xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mật ong dược liệu Quản Bạ được tiêu thụ với số lượng lớn. Với chất lượng sản phẩm tốt cùng giá thành phải chăng, trong tương lai, thương hiệu sẽ còn phát triển hơn nữa.

Ngọc Minh

Chia sẻ bài viết qua email