Thứ năm, 25/4/2024
Thứ hai, 28/11/2016, 10:59 (GMT+7)

Quế - giống cây quý của người Dao ở đất Văn Yên

Cây quế không chỉ giúp người dân Văn Yên xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường tự nhiên.

Nằm ở phía Bắc của tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 1.389 km2, trong đó, 75% là đất lâm nghiệp. Với lợi thế vị trí địa lý và khí hậu nằm giữa vùng chuyển tiếp giữa địa hình đồi núi cao và vùng đồng bằng thấp ven sông Hồng, Văn Yên trở thành khu vực lý tưởng để cây quế sinh trưởng và phát triển.

Vùng trồng quế của huyện Văn Yên vốn được hình thành từ lâu đời và gắn liền với cuộc sống của đồng bào người Dao xứ này, chủ yếu thuộc các xã vùng cao như Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Tân Hợp, Viễn Sơn và Đại Sơn... Do vậy, kinh nghiệm trồng quế từ kỹ thuật chọn giống, cách trồng, phương pháp chăm sóc, thu hoạch tới bảo quản mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao.

Ở Văn Yên, quế được gieo trồng vào khoảng tháng giêng, tháng hai Âm lịch. Đây là lúc thời tiết ấm áp, đất trồng ẩm, phù hợp với sự phát triển của cây con. Cây quế trưởng thành có thể cho thu hoạch mỗi năm 2 vụ, từ tháng ba sang tháng tư và từ tháng tam đến tháng chín. Theo kinh nghiệm của đồng bào, đây là 2 thời kỳ mà quế róc cỏ nên thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển và bảo quản.

Quế được xem là cây trồng chủ lực ở Văn Yên. Ảnh: quevanyen

Quế được xem là cây trồng chủ lực ở Văn Yên. Ảnh: quevanyen.

Quế Văn Yên được trồng không chỉ để lấy vỏ mà gỗ quế còn được sử dụng để làm nhà, làm giấy, làm tăm, xẻ ván ghép sàn xuất khẩu. Các bộ phận khác của cây quế như cành, lá, ngọn, vỏ quế vụn… được bán làm thuốc. Phần lớn, người dân có thể tận dụng được lợi ích của toàn bộ cây quế.

Hiện nay, quế là cây trồng kinh tế chủ lực của Văn Yên, đồng thời tham gia vào thị trường nông - lâm sản xuất khẩu của tỉnh Yên Bái. Huyện Văn Yên khoảng 40.000 ha quế được phủ khắp 27 xã, thị trấn và trở thành vùng chuyên canh cây quê lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, diện tích quế được trồng mới mỗi năm đạt từ 1.500 đến 1.600ha. Trung bình mỗi năm, có khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô, 55.000 tấn lá quế, 290 tấn tinh dầu quế và khoảng 62.000m3 gỗ quế từ Văn Yên được xuất ra thị trường, mang lại nguồn thu trên 540 tỷ đồng.

Những năm qua, cây quế đã giúp hàng nghìn hộ dân Văn Yên thoát nghèo, ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu. Không chỉ vậy, giống cây này còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giúp giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc; bảo tồn và phát triển đa dạng các nguồn gen quý của cây bản địa.

Về thăm vùng đất Văn Yên, đắm mình trong mùi hương ngào ngạt của vựa quế, du khách sẽ càng cảm nhận rõ hơn về loại cây đặc sản của huyện miền núi này. Không chỉ là một trong 4 vị thuốc quý được gọi là "tứ bảo đông y", quế còn là một phần biểu trưng của bản văn hóa người Dao ở vùng đất này.

Phong Vân

Chia sẻ bài viết qua email