Thứ năm, 28/3/2024
Thứ ba, 10/1/2017, 15:00 (GMT+7)

Người dân Lào Cai phát triển mô hình trồng chuối sạch

Với năng suất bình quân khoảng 30 tấn trên một ha, những cây chuối được trồng trên vùng đất đồi dốc theo tiêu chuẩn an toàn tại Lào Cai không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn xuất khẩu đi Nhật Bản, Đông Âu…

Tỉnh Lào Cai có khí hậu lạnh, địa hình chủ yếu là đất đồi dốc và cường độ ánh sáng cao nên thích hợp để cây chuối sinh trưởng. Bên cạnh đó, chuối là loại cây dễ sống, không khắt khe về điều kiện trồng và tốn ít công chăm sóc hơn những cây ăn quả khác nên phù hợp với trình độ canh tác nông nghiệp của bà con vùng cao. Sau khoảng 20 năm được trồng tại Lào Cai, đến nay, chuối trở thành cây ăn quả chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều huyện tại địa phương xóa đói, giảm nghèo.

Một trong những vùng có diện tích trồng chuối lớn tại Lào Cai là huyện Bảo Thắng. Giống chuối được trồng chủ yếu tại đây là B5, cho quả to, buồng dài, chống chịu sâu bệnh tốt. Năm 2006, trung tâm khuyến nông tỉnh Lào Cai nhân giống chuối thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô lấy từ đỉnh sinh trưởng tách từ thân chuối ngầm. Cách nhân giống này giúp cây chuối non có chất lượng đồng đều, sạch bệnh, chống chịu tốt với điều kiện tự nhiên bên ngoài, thời gian từ khi trồng tới khi thu hoạch được rút ngắn.

polyad

Khi quả chuối đã tròn căng các cạnh và có độ già, người dân bắt đầu thu hoạch từng buồng lớn, vận chuyển đến nơi tập kết. Ảnh: Bizmedia.

Chỉ sau 2-3 tháng ươm, cây chuối phát triển thành cây non hoàn chỉnh và được đưa ra vườn ươm. Các vườn ươm dưới chân đồi được che chắn bằng bạt và nilon, đảm bảo mùa hè thoáng mát, mùa đông ấm. Bên trong mỗi vườn có lắp nhiệt kế, hệ thống dẫn nước tưới tiêu để đảm bảo cây non phát triển tốt.

Khi cây có khoảng 4 đến 5 lá, thân cứng cáp, mập mạp, lá xanh đều, người dân sẽ chuyển ra đồi trồng. Tại đây, các hố được đào dọc theo sườn đồi, bón lót bằng tro và phân chuồng hoại mục. Trong suốt thời kỳ chuối sinh trưởng, người dân sẽ được bón thúc thêm bằng NPK và phân chuồng để cây đủ dinh dưỡng và ra quả đúng thời điểm.

Để đảm bảo nước tưới, hơn 200ha trồng chuối của bà con tại Bảo Thắng đã liên kết với Công ty TNHH Hoàng Lan và được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Theo hệ thống này, nước suối được bơm lên các bể chứa lớn trên đỉnh đồi bằng máy bơm công suất lớn. Mỗi bể chứa sâu 4-5m, có lót vải chống thấm. Sau đó, nước đi qua hệ thống ống dẫn đến từng gốc chuối. Mô hình tưới tiêu này không chỉ giúp giảm chi phí lao động, tận dụng được lượng phân bón đã sử dụng mà còn tăng năng suất lên hơn 10 tấn trên một ha so với trước.

Bên cạnh đó, khi quả non đã rụng cuống hoa và đạt kích thước 13-15cm, người dân bắt đầu lót trái bằng giấy và bao nilon PP để giúp quả tránh sương, rét, côn trùng và cho mẫu mã đẹp. Đồng thời, bà con còn thực hiện chăng dây để neo cho cây đứng vững khi buồng chuối lớn dần. Từ thời điểm bao trái đến thu hoạch, chuối hầu như không cần bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào mà sinh trưởng tự nhiên.

Sau khoảng 2,5-3 tháng kể từ lúc bao trái, khi quả chuối đã tròn căng các cạnh và có độ già, người dân bắt đầu thu hoạch từng buồng lớn, vận chuyển đến nơi tập kết. Tại đây, chuối được phân loại, chia nải, đóng thùng và vận chuyển đến địa điểm tiêu thụ. Còn lại, số lượng lớn cây chuối đã cho buồng sẽ được chặt để dùng làm thức ăn cho gia súc, hoặc để khô, đem ủ phân xanh và bón cho vụ mới.

Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có trên 1.200ha đất trồng chuối, tập trung chủ yếu ở các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng, TP Lào Cai, trong đó khoảng một nửa đang cho thu hoạch, năng suất bình quân là khoảng 30 tấn trên một ha. Hiện nay, chuối Lào Cai chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Âu.

Vân Nguyễn

Chia sẻ bài viết qua email