Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 25/10/2016, 16:17 (GMT+7)

Người biến hoa tam giác mạch thành đặc sản Hà Giang

Sau nhiều lần mang những bao tải hạt tam giác mạch tới cơ sở sản xuất bánh kẹo nổi tiếng Thái Bình, Hà Nội, ông Phạm Ngọc Dự đã tìm ra và phát triển những chiếc bánh tam giác mạch đặc sản cho quê hương Hà Giang.

Những năm gần đây, du khách từ nhiều nơi rủ nhau lên Hà Giang ngắm nhìn những cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ dịp tháng 10 đến tháng 12. Ngoài vẻ đẹp đầy mộng mơ, tam giác mạch còn mang tới giá trị kinh tế lớn.

Năm 2014, theo chủ trương và nghị quyết của Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn khuyến khích nhân dân nên có những mặt hàng, sản phẩm đặc sản địa phương, ông Phạm Ngọc Dự - chủ nhiệm hợp tác xã Vận tải Bắc Nam đã tiên phong chế biến và sản xuất những món ăn nhờ vào những bông hoa tam giác mạch.

nguoi-bien-hoa-tam-giac-mach-thanh-dac-san-ha-giang

Ông Phạm Ngọc Dự (mặc áo trắng) đứng bên trong nhà xưởng bánh. Ảnh: bizmedia.

Ông Dự cùng những cộng sự của mình đem nhiều bao tải lớn hạt tam giác mạch tới những cơ sở sản xuất bánh kẹo nổi tiếng ở Thái Bình, Hà Nội để tìm ra công thức làm bánh chuẩn. Sau nhiều nỗ lực, ông đã mang về cho quê hương mình cách chế biến bánh tam giác mạch vừa ngon vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau một thời gian thử nghiệm sản phẩm, ông Dự nhận thấy bánh tam giác mạch có thể trở thành đặc sản mới của cao nguyên Đồng Văn khi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Đó cũng chính là động lực để ông nhân rộng mô hình sản xuất thực phẩm từ hạt tam giác mạch.

Những người thợ đang chăm chỉ đóng gói bánh. Ảnh: bizmedia

Những người thợ đang chăm chỉ đóng gói bánh. Ảnh: bizmedia.

Đầu tiên, sau khi hết mùa hoa người dân địa phương sẽ thu hoạch hạt tam giác mạch ngoài cánh đồng rồi bán lại cho hợp tác xã. Điều này không chỉ để tận dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên có sẵn mà góp phần tạo ra thu nhập cho bà con nơi đây. Hạt tam giác mạch lớn lên trong tự nhiên, không bị tác động bởi thuốc bảo vệ thực vật nên đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào. Tại c sản xuất, hạt tam giác mạch sẽ được sơ chế nhằm loại bỏ bụi bẩn và tạp chất. 

Tiếp đến là công đoạn nấu đường mạch nha. Ông Dự cho biết, đường phải sôi lăn tăn, đặc quánh nhưng vẫn bảo đảm độ dẻo. Những hạt tam giác mạch sau khi sơ chế được đổ chung vào chảo đường mạch nha đang nấu. Người thợ phải đảo đều tay để hỗn hợp được hòa quyện. 

Sau khi có hỗn hợp quánh dẻo, chúng được đổ vào khuôn để tạo hình bánh. Người thợ phải san đều hỗn hợp thật nhanh bằng đôi tay đã đeo găng tay sạch sẽ cùng một chiếc cán gỗ lớn, nếu không bánh sẽ khô và không đẹp mắt.

Bước cuối cùng là đóng gói thành phẩm. Từng chiếc bánh được bọc cẩn thận trong một lớp nilon sạch và một lớp túi lớn hơn rồi đóng hộp hoàn chỉnh. Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cũng đã cấp giấy chứng nhận loại bánh tam giác mạnh đáp ứng đủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm vào cuối năm 2014.

Những sản phẩm bánh được làm từ tam giác mạch. Ảnh: bizmedia

Những sản phẩm bánh được làm từ tam giác mạch. Ảnh: bizmedia.

Để có được thành quả ngày hôm nay, ông Phạm Ngọc Dự đã tâm huyết ngay từ ngày đầu tiên, đồng thời, không ngừng cải tiến hệ thống sản xuất, chất lượng và an toàn sản phẩm. Những người thợ làm bánh ở đây đều được ông Dự đào tạo ngay từ khi bắt đầu làm việc để đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, mỗi người khi bước vào khu chế biến đều phải mặc quần áo bảo hộ lao động, rửa sạch tay, đeo găng, mũ, khẩu trang đầy đủ. 

Nhờ những cơ sở doanh nghiệp như trên mà người dân địa phương có việc làm ổn định với mức lương 5-7 triệu đồng mỗi tháng, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn Hà Giang. Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều những gương mặt tiêu biểu làm giàu cho quê hương như ông Phạm Ngọc Dự.

Nếu có dịp tới đây, các bạn đừng quên thưởng thức và mua về những gói bánh thơm thơm mùi hoa tam giác mạch do chính địa phương sản xuất.

Đức Tùng

Chia sẻ bài viết qua email