Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ năm, 24/11/2016, 08:38 (GMT+7)

Làm giàu từ cây ổi găng Đông Dư

Nằm dưới chân cầu Thanh Trì, vùng Đông Dư (thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) có chất đất thịt nhẹ màu mỡ, thuận lợi để cây ổi sinh trưởng và phát triển, cho chất ổi giòn, ngon, được nhiều người ưa chuộng.

Trước đây, Đông Dư vốn là đất lúa, trồng rau. Tuy nhiên, hàng năm, khi mùa nước lên, diện tích trồng rau màu thường bị ngập nên năng suất không cao. Từ khoảng 30 năm trước, nhận thấy tiềm năng của cây ổi địa phương, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Dư bắt đầu chuyển hướng cây trồng, chỉ giữ khoảng 30ha trồng rau, còn lại hơn 120ha đều trồng ổi.

Đông Dư có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây ổi đặc sản.

Đông Dư có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây ổi đặc sản. Ảnh: Thu Thủy

Cụ thể, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Dư kết hợp với Trạm bảo vệ thực vật huyện Gia Lâm, Viện rau quả và các nhà khoa học từ Đại học Nông nghiệp hướng dẫn và hỗ trợ bà con cách trồng ổi theo tiêu chuẩn sạch. Dưới sự hỗ trợ của hợp tác xã, bà con nơi đây đã biết cách khai thác thế mạnh từ chính cây ổi của địa phương; kết hợp cách làm tập trung, quy mô đã tạo nên mô hình trồng ổi thành công, đem lại thu nhập cao, ổn định.

Ban đầu, những cây ổi giống khỏe mạnh được nhân ra theo phương pháp chiết cành. Cành chiết được lựa chọn từ cây mẹ khỏe mạnh đã phát triển từ năm thứ 5 trở đi; đảm bảo không sâu bệnh, sắc lá xanh tươi.

Khi đủ ngày tuổi và bầu chiết ra rễ khỏe mạnh, người nông dân chuẩn bị đất trồng để xuống giống cây con. Đất được lựa chọn phải là đất thịt hoặc đất phù sa đã được kiểm tra không nhiễm kim loại nặng hay bị ô nhiễm. Hố trồng được đào theo đúng kỹ thuật, sử dụng phân hữu cơ hoại mục, phân vi sinh hoặc phân bón NPK để bón lót. Mật độ trồng đều đặn, khoảng cách 3-4m để cây có không gian phát triển khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh.

lam-giau-tu-cay-oi-gang-dong-du-1

Toàn bộ diện tích ổi Đông Dư đều được trồng và chăm sóc theo hướng an toàn thực phẩm. Ảnh: Thu Thủy

Trong suốt quá trình trồng, người nông dân theo dõi sức khỏe của cây, bón thúc theo định kỳ bằng phân hữu cơ hoặc phân vi sinh để cây sinh trưởng tốt, rễ phát triển; hoàn toàn không sử dụng phân tươi, phân chuồng để bón ổi. Cuối mỗi đợt thu hoạch, bà con lại tiến hành tỉa bớt cành, tạo độ thông thoáng nhằm giảm nấm mốc và hạn chế sâu bệnh.

Điểm khác biệt của mô hình trồng ổi Đông Dư là toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong quá trình trồng đều được cung cấp qua điểm bán duy nhất của hợp tác xã. Nhờ đó, toàn bộ lượng thuốc bảo vệ thực vật đều được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ và đạt tiêu chuẩn sử dụng trong canh tác cây trồng.

Nhờ cách làm này, sản lượng ổi Đông Dư qua các vụ đều ổn định, đạt trung bình từ 14.500 đến 16.000 tấn một năm. Cây ổi cho quả quanh năm, do vậy, không có tình trạng quả thu hoạch dồn nhiều vào một thời điểm và bị thương lái ép giá.

lam-giau-tu-cay-oi-gang-dong-du-2

Nông dân Đông Dư tại vườn ổi. Ảnh: Thu Thủy

Năm 2007, ổi Đông Dư được cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu ổi đặc sản. Năm 2015, mô hình trồng ổi Đông Dư được chứng nhận quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGap). Nhờ đó, sản phẩm quả ổi Đông Dư càng được thị trường đón nhận.

Hiện nay, mỗi sáng, thương lái tới tận vườn thu mua ổi, giá bán tại vườn dao động ổn định từ 12.000 đến 15.000 đồng một kg. Nhờ được thu hái trực tiếp trên cây, quả ổi không trải qua bất cứ quá trình xử lý hóa chất, sơ chế nào mà vận chuyển thẳng tới đại lý và nơi tiêu thụ nên giữ nguyên độ tươi ngon.

Trong tương lai không xa, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Dư dự định tiếp tục đầu tư thêm về hệ thống nhận diện thương hiệu cho quả ổi đặc sản nhằm giúp ổi Đông Dư nâng cao được giá trị thương phẩm, xứng đáng với thương hiệu ổi thơm, ổi sạch đất Hà thành.

Giang Tạ

Chia sẻ bài viết qua email