Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ bảy, 18/3/2017, 09:00 (GMT+7)

Doanh thu 80 tỷ đồng mỗi năm của 'vua khóm Cầu Đúc'

Từ một nông dân với hai bàn tay trắng, ông Dương Văn Thanh trở thành "vua khóm Cầu Đúc" với 200 ha trồng khóm (dứa, thơm), đạt doanh thu 80 tỷ đồng mỗi năm.

Sinh ra và lớn lên ở Kiên Giang, sau giải phóng, người lính trẻ Dương Văn Thanh trở về quê nhà với hai bàn tay trắng. Do cuộc sống nơi làng quê vất vả, năm 1976, ông quyết định rời quê đến vùng Hậu Giang lập nghiệp. Đến xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Giang, ông được chính quyền cấp cho 1,2 ha đất hoang để canh tác. Thời gian đầu khi mới nhận khu đất rừng rậm rạp, bị bỏ hoang do nhiễm phèn nặng, ông Thanh và vợ phải nỗ lực cày xới, cải tạo, thau chua rửa phèn cho đất để biến nơi đây thành mảnh vườn trồng cây.

Dù trồng thử nhiều loại cây trên đất nhưng ông nhận thấy, hầu hết chúng đều bị chết do đất chưa sạch phèn. Một lần, ông Thanh tình cờ phát hiện thấy sau nhà có một bụi khóm phát triển tốt, cho trái ngọt nên nảy sinh ý định trồng thử giống cây này.

lao-nong-mien-tay-thanh-ty-phu-nho-trong-khom-cau-duc

Ông Dương Văn Thanh được mệnh danh là "vua khóm Cầu Đúc". Ảnh: sotaydulich.

Cây khóm từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất khoảng 20 tháng. Do vậy, trong khi đợi mùa thu hoạch, ông Thanh phải đi làm thuê ở nhiều nơi để có tiền trang trải cuộc sống. Nhờ khoảng thời gian trồng khóm thuê cho người Hoa mà ông tích lũy thêm kinh nghiệm và tạo được các mối hàng thu mua loại quả này.

Vụ đầu tiên vào năm 2007, với tổng diện tích 1,2 ha, ông Thanh thu gần 20 tấn quả. Tính trung bình, năng suất đạt hơn 15 tấn trên mỗi ha. Gắn bó với khóm lâu ngày, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ của loại quả này khá lớn trong khi năng suất khóm trên đất phèn lại cao, ông ấp ủ ý tưởng thuê đất, mở trang trại trồng khóm Cầu Đúc.

Ông Thanh liều lĩnh vay gần 3 tỷ đồng và thuê 100 ha đất của tỉnh đang bỏ hoang để làm trang trại. Vợ ông phản đối kịch liệt vì nếu rủi ro, đứt vốn thì khoản nợ phải gánh là quá lớn. Tuy nhiên, nhìn thấy đường dài của khóm là trồng một năm có thể cho thu hoạch trong vòng 7-8 năm, thậm chí có thể lên tới 10 năm nếu được chăm sóc tốt, ông Thanh quyết tâm không thay đổi dự định.

Có đất, có vốn, ông cho xây dựng hệ thống kênh mương, đường bê tông kiên cố và đê bao khép kín, bao trọn trang trại để tiện chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển. Sau khi tìm hiểu thêm về kỹ thuật canh tác, ông Thanh chủ động điều chỉnh xử lý khóm cho quả trái vụ. Cụ thể, khi khóm sắp ra bông, ông cho bón thúc phân NPK để trái ra muộn sau đó 3-4 tháng. Do vậy, mỗi năm, khóm có thể thu hoạch làm 4 đợt.

Từ năng suất khoảng 15 tấn trên một ha vào năm 2007, các vụ sau, nhờ điều chính trái vụ và cải thiện kỹ thuật chăm sóc, vườn khóm của ông Thanh tăng năng suất lên 16, 17 rồi 20 tấn trên một ha. Đỉnh điểm, có năm cho thu hoạch tới 25 tấn trên một ha.

Năm 2009, ông thuê thêm 100 ha đất của công an tỉnh để trồng khóm. Thời điểm này, do giá nhân công, xe cơ giới phục vụ khai hoang đều tăng nên chi phí bỏ ra đầu tư lên tới 5 tỷ đồng. Sau các lần liên tiếp đầu tư, diện tích vườn khóm của ông Thanh đã tăng lên thành 200 ha. 

Hiện nay, ông Thanh là chủ Doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh chuyên sản xuất và thu mua khóm, bỏ mối cho các nhà máy chế biến ở đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM. Như vậy, ngoài tự trồng, ông Thanh còn thu mua sản lượng lớn quả khóm của bà con địa phương. Do đó, hàng năm, doanh nghiệp của ông cung cấp ra thị trường trên 25.000 tấn khóm, tổng doanh thu đạt khoảng 80 tỷ đồng mỗi năm.

Hải Vy

Chia sẻ bài viết qua email