Thứ năm, 18/4/2024
Thứ hai, 31/10/2016, 15:33 (GMT+7)

Doanh nghiệp, nông dân Nam Định phát triển mô hình gạo sạch

Sự kết hợp giữa doanh nghiệp và nông dân giúp chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, tăng thu nhập cho bà con và hạn chế tình trạng thương lái ép giá.

Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi và trồng trọt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do doanh nghiệp và người nông dân cùng nhau kết hợp ngày càng phát triển mạnh trên cả nước. Nhờ sự liên kết này, quy trình sản xuất đều được chuyên nghiệp hóa, bà con có thêm thu nhập và ổn định sản xuất hơn trước.

Công TNHH Toản Xuân là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo an toàn tại tỉnh Nam Định. Công ty phối hợp với các hộ nông dân tại 5 huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy và Ý Yên để cùng thực hiện mô hình này.

Cánh đồng lúa rộng bát ngát tại Giao Thủy, Nam Định. Ảnh: baotainguyenmoitruong

Cánh đồng lúa rộng bát ngát tại Giao Thủy, Nam Định.

Với mô hình sản xuất này, bà con nông dân được hỗ trợ hoàn toàn về nguyên liệu đầu vào như hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình nuôi trồng và chăm sóc cây lúa, các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp của doanh nghiệp trực tiếp xuống địa phương để hướng dẫn bà con. Vị trí trồng và sản xuất lúa phải cách xa khu công nghiệp, tránh cây không bị ảnh hưởng xấu từ nguồn khí thải độc hại của nhà máy.

Trong suốt quá trình sản xuất, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức nhiều buổi tọa đàm cho bà con trong tỉnh. Tại đây, bà con lắng nghe các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn cách giám sát quá trình sinh trưởng của cây một cách tỉ mỉ. Thông qua những buổi tọa đàm này, người nông dân có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn.

Năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định bình chọn gạo bắc thơm số 7 là giống lúa có hương vị thơm ngon cùng khả năng sinh trưởng tốt hơn so với các giống khác. Vì vậy, doanh nghiệp và bà con đã quyết định chọn và nhập giống lúa gạo bắc thơm số 7 để gieo trồng.

Đối với cây lúa, giai đoạn bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là không thể thiếu nhằm đạt năng suất và chất lượng cao. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người nông dân địa phương ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay cho hóa chất.

Trong giai đoạn bón lót, bà con bón phân trước khi cấy lúa để cây mạ có đủ chất dinh dưỡng. Khi cây lúa bén rễ hồi xanh, bà con sẽ được bón thúc đẻ nhánh giúp nhánh lúa phát triển nhanh và tập trung. Cây lúa đang đứng nghén, nhú mầm được bón thúc đón đòng sau khi cấy 40 ngày. Sau đó, bà con phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên thân lúa đang xanh.

Thiên nhiên ban tặng cho Nam Định địa hình gần sông Hồng với lớp đất phù sa giàu vi lượng, đầy đủ khoáng chất thiết yếu. Nguồn nước dồi dào từ sông Hồng được tưới trực tiếp vào những cánh đồng để lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Người công nhân của doanh nghiệp đang lái máy gặt lúa.

Người công nhân của doanh nghiệp đang lái máy gặt lúa.

Vào thời điểm thu hoạch lúa, công nhân của doanh nghiệp lái những chiếc máy gặt lúa Kubota lớn vào tận cánh đồng để thu hoạch, mà không cần dùng đến sức người. Trong vòng 3-5 giờ, lúa phải đưa vào lò sấy để vitamin trong hạt lúa không bị phân hủy. Cuối cùng, lúa được xay xát và đóng gói trong mô hình khép kín hiện đại.

Khác với việc canh tác truyền thống, mô hình khép kín này giúp bà con chuyên nghiệp hóa trong sản xuất, cũng như giải phóng sức lao động. Thu nhập của người làm nông ổn định hơn bởi doanh nghiệp thu mua lúa với giá cao hơn 10-15% so với thị trường, loại bỏ tình trạng thương lái ép giá. Ngoài ra, doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng gạo và đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt.

Nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng... có nhu cầu về lương thực, thực phẩm sạch lớn. Do vậy, hoạt động kết nối nông sản an toàn từ tỉnh Nam Định về những thành phố này đang được triển khai mạnh mẽ và dần trở thành nguồn cung ứng thực phẩm lớn trên toàn quốc. Đây là những tín hiệu tích cực cho cả người dân và doanh nghiệp nơi đây. 

Thành Đạt

Chia sẻ bài viết qua email