Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ sáu, 4/11/2016, 09:31 (GMT+7)

Chuyện người làm bún nói không với hóa chất

Để làm ra một mẻ bún an toàn, không hóa chất, người thợ phải mất 4-5 ngày và thành phẩm cũng chỉ được dùng trong vòng 24 giờ vì không dùng chất bảo quản.

Sinh ra trong một làng quê có truyền thống làm bún từ lâu đời, anh Nguyễn Viết Hùng - Giám đốc Công ty TNHH đầu tư sản xuất nông sản Bình Minh (thôn Đường, An Bình, Thuận Thành Bắc Ninh) hiểu được những trăn trở, tâm huyết mà người làm bún nơi đây đã dày công gây dựng. Anh cũng như bao thế hệ tại thôn Đường, luôn nỗ lực để gìn giữ và phát triển thương hiệu bún của quê hương.

Anh Hùng chia sẻ, nghề làm bún gắn bó với gia đình anh không biết tự bao giờ. Chỉ biết từ khi sinh ra, anh đã quen với màu trắng của sợi bún, quen với mùi chua chua của bột khi ủ lên men và tiếng quay đều đều mỗi lần đánh bột…

chuyen-nguoi-lam-bun-noi-khong-voi-hoa-chat

Những người công nhân làm việc bên trong nhà máy làm bún của anh Hùng. Ảnh: bizmedia.

Nối nghiệp gia đình từ 7 năm trước, anh Hùng đã trải qua quãng thời gian thăng trầm với nghề bún. Khi trên các phương tiện thông tin đại chúng ồ ạt đưa tin bún chứa hàn the, chứa chất tẩy trắng, chất huỳnh quang…, cả thôn Đường điêu đứng. Dù bún quê anh không sử dụng hóa chất, nhưng cũng không ai dám mua. Bằng tình yêu nghề làm bún truyền thống, với niềm tin "cứ làm đúng, người tiêu dùng sẽ tin", anh quyết tâm gắn bó với nghề.

Sau một thời gian tìm hiểu, anh Hùng nhận thấy cách thức làm bún thủ công truyền thống có những nhược điểm như sản lượng không cao, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tốn nhiều nhân lực. Anh quyết định nhập hệ thống máy làm bún tự động để có thể phát triển thương hiệu bún của gia đình.

Tôn chỉ trong việc làm bún của anh là tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Để làm được một mẻ bún, tính từ lúc bắt đầu ngâm gạo đến lúc ra thành phẩm phải mất 4-5 ngày chứ không phải 2-3 tiếng như nhiều cơ sở khác. Đây là điểm khác biệt của cơ sở làm bún không sử dụng hóa chất và có sử dụng hóa chất.

Muốn làm một mẻ bún ngon, đầu tiên là khâu chọn gạo. Đó phải là loại gạo tẻ mùa (gạo cấy vào vụ mùa), đảm bảo độ dẻo, ngon của bún. Toàn bộ gạo nhập anh Hùng đều phải trực tiếp đặt hàng, ký kết hợp đồng. Khi gạo về đến cơ sở đích thân anh kiểm tra từng bao. Gạo phải đảm bảo 4 không "không tạp chất, không ẩm mốc, không mối mọt và không chất bảo quản".

Mẻ bún gạo vừa mới ra lò. Ảnh: bizmedia

Mẻ bún gạo vừa mới ra lò. Ảnh: bizmedia.

Tiếp đến là đến khâu vo gạo với nước sạch để loại bỏ tạp chất. Gạo đã vo sạch sẽ được ngâm trong 24 giờ ở nhiệt độ 40-45 độ C. Trong quá trình ngâm gạo, người thợ sẽ phải thay nước 1-2 lần để gạo không bị chua. Sau đó, gạo được nghiền thành bột, rồi tiếp tục cho vào bể ngâm 48 tiếng để bột gạo lên men tự nhiên. Đó chính là lý do vì sao bún không có hóa chất thường có mùi hơi chua đặc trưng.

Sau 48 giờ, bột được chuyển qua ép để tách nước, nhờ có cách này bún vẫn có độ dai mà không cần dùng đến hóa chất. Sau khi tách nước, bột được đưa vào máy trộn đều, ép thành sợi và luộc chín tạo ra bún thành phẩm. Bún sau khi thành phẩm không thể để quá 24 giờ, nếu không sẽ bị chua, do không có chất bảo quản.

Việc chuyển đổi cách thức sản xuất đã mang lại cho công ty của anh Hùng sản lượng 2 tấn bún mỗi ngày, cung cấp cho nhiều địa chỉ bếp ăn công nghiệp trong khu vực. Xưởng bún cũng giải quyết công ăn việc làm cho gần 30 nhân công địa phương. Thương hiệu bún Bình Minh đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm do Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cấp.

Hy vọng trong tương lai, người chủ doanh nghiệp làm bún nói không với hóa chất sẽ đạt được nhiều thành tựu, đưa bún thôn Đường cùng thương hiệu Bình Minh tiến xa hơn.

Thu Nga

Chia sẻ bài viết qua email