Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 16/5/2017, 14:00 (GMT+7)

Cải cầu vồng đa sắc màu tại vựa rau Đà Lạt

Giữa bạt ngàn sắc xanh của vựa rau Đà Lạt, màu đỏ, vàng, cam… của cải cầu vồng như một điểm nhấn nổi bật cho thương hiệu nông sản sạch xứ cao nguyên mù sương.

Cải cầu vồng (còn gọi là cải Thụy Sĩ) có nguồn gốc từ phương Tây, mới du nhập vào Việt Nam gần đây. Ngoài màu sắc bắt mắt, cải cầu vồng còn giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin K, vitamin C và chất sắt; giúp cải thiện và tăng cường sức khỏe, ổn định đường huyết, giảm thiểu các bệnh về tim mạch và ung thư.

polyad

Cây cải cầu vồng hiện được trồng nhiều ở Lâm Đồng. Ảnh: Biz media.

Nhờ có nhiều công dụng với sức khỏe, lại có màu sắc đẹp, vị ngọt, giòn, cải cầu vồng được nhiều bà nội trợ ưa chuộng. Nhiệt độ thích hợp để giống rau này sinh trưởng tốt nhất là từ 30 đến 32 độ C. Hiện nay ở nước ta, khí hậu mát mẻ và thổ nhưỡng trù phú của khu vực Đà Lạt rất thích hợp để trồng loại rau này.

Tại Đà Lạt, cải cầu vồng được trồng chủ yếu tại vùng ven thành phố. Diện tích trồng khoảng 15ha, năng suất trung bình mỗi ha đạt khoảng 3 tấn. Để chuẩn bị trồng rau, ngoài đảm bảo hạt giống ngoại nhập chất lượng, các nhà vườn còn khá cầu kỳ trong khâu làm đất ươm hạt. Người trồng đem đất mùn trộn với phân hữu cơ và xơ dừa rồi chia đều vào các khay ươm; sau đó, cẩn thận gieo các hạt giống vào từng ô của khay rồi đem ủ.

polyad

Cải cầu vồng có thể chế biến được nhiều món ăn. Ảnh: Biz media.

Sau khi ủ trong đất mùn khoảng 2 ngày, hạt cải bắt đầu nhú mầm. Khoảng một tháng sau khi gieo, cây mới phát triển hoàn thiện, đủ khỏe mạnh để người trồng chuyển ra đất vườn. Cải cầu vồng ưa độ ẩm nên dễ trồng, có thể chịu được thời tiết nóng hoặc lạnh, chỉ cần luôn đảm bảo cung cấp đủ nước tưới. Loại rau này cũng ít khi mắc bệnh, chủ yếu chỉ bị rệp, sâu và sên ăn lá tấn công.

Tại Công ty TNHH Vietfarm (thành phố Đà Lạt), toàn bộ phân bón sử dụng cho rau đều là ngoại nhập. Khi trồng rau, người trồng cần thận bón rải phân dưới gốc; sau đó sử dụng hệ thống tưới phun từ trên xuống để phân tan dần, giúp cây từ từ hấp thụ chất dinh dưỡng và mau bén rễ.

Sau khoảng 65 đến 70 ngày kể từ thời điểm gieo hạt, thân cải cao khoảng 50 cm, tán lá ướm to nhỉnh hơn bàn tay là có thể thu hoạch. Lá cải màu xanh; thân cải mập, gồm nhiều loại màu sắc khác nhau: xanh, đỏ, cam, vàng, tím… Khi thu hoạch, người làm vườn bẻ cải sát tận cuống nhánh của bẹ lá. Khi bóc lá bên ngoài, lá bên trong của cây lại tiếp tục phát triển cho tới khi cây ra hoa.

Nhà vườn trồng cải cầu vồng sạch tại Lâm Đồng: 

Cải cầu vồng 'khoe sắc' tại vựa rau Đà Lạt
 
 

Cải cầu vồng có thể biến tấu thành nhiều món ăn khác nhau như nấu canh, nấu súp, làm salad trộn hoặc làm món muối chua với tỏi, giấm, đường… , phù hợp với khẩu vị của từng người. Nhiều bà nội trợ còn sử dụng loại rau này để bổ sung vào các món ăn dặm cho trẻ nhỏ bởi rau có nhiều dưỡng chất, màu sắc lại bắt mắt.

Hiện nay, sản phẩm cải cầu vồng của Đà Lạt có mặt tại hệ thống siêu thị Metro và các cửa hàng tự chọn.

Phong Vân

Chia sẻ bài viết qua email