Theo Công ty nước sạch Hà Nội, dự kiến nhu cầu sử dụng nước mùa hè năm 2015 tăng 7-10% so với hè năm 2014, tương ứng sản lượng cần cấp vào mạng lưới là 620.000-675.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó nguồn nước ngầm công ty chỉ đạt 585.000-620.000 m3/ngày đêm.
Mực nước ngầm cũng được dự báo tiếp tục suy giảm 1-2% so với năm 2014 do ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Hồng. Nguồn nước mặt sông Đà không cung cấp đủ cả về áp lực và lưu lượng theo yêu cầu của công ty.
Bên cạnh đó, công tác khoan bổ sung thay thế các giếng để duy trì công suất thiết kế gặp nhiều khó khăn về bố trí mặt bằng, quỹ đất, địa tầng khai thác nước... Các dự án phát triển nguồn nước mặt sông Hồng, sông Đuống triển khai chậm so với kế hoạch do vướng mắc về bố trí mặt bằng, cơ chế huy động vốn và đầu tư.
“Nếu mùa hè năm 2015 xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài, nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến sẽ dẫn đến một số khu vực cuối nguồn, nơi có cốt địa hình cao sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ”, lãnh đạo đơn vị cung cấp nước sạch cho các quận trung tâm Hà Nội cảnh báo.
Liên quan đến cấp nước đô thị trong mùa hè, Văn phòng UBND thành phố đã ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng. Lãnh đạo Hà Nội nhận định, mùa hè 2015 tổng sản lượng nước cung cấp từ mạng cấp nước tập trung của thành phố cơ bản không tăng thêm, nguồn nước ngầm tiếp tục suy giảm. Do vậy tình hình sản xuất, cung cấp nước được đánh giá hết sức khó khăn.
Phó chủ tịch Hà Nội yêu cầu công ty cấp nước thực hiện các giải pháp để đảm bảo cấp nước cho nhân dân, đặc biệt là cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, ký túc xá, khách sạn, khu công nghiệp, các khu nhà ở cao tầng… “Khi có sự cố xảy ra hoặc có lịch cắt điện, tạm dừng cấp nước phải thông báo kịp thời thời gian ngừng nước để nhân dân được biết, chủ động dự trữ nước sạch; đồng thời phải có giải pháp khắc phục bằng xe téc, điều chỉnh thời gian, áp lực nước”, ông Hùng chỉ đạo.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Tổng công ty Vinaconex, Công ty Viwasupco khẩn trương triển khai đầu tư, lắp đặt tuyến đường ống truyền dẫn từ Hòa Lạc về đường vành đai 3. Cùng với đó, các đơn vị trên phải thực hiện các giải pháp hạn chế sự cố, đảm bảo ổn định việc truyền dẫn nước từ nguồn nước mặt sông Đà về trung tâm thành phố.
Những khu vực được cảnh báo mất nước cục bộ mùa hè 2015 Quận Ba Đình: Khu vực phố Hàng Than, Hồng Phúc, Nguyễn Trung Trực, Hàng Đậu, Hòe Nhai, Ngõ 18 Quán Thánh, Ngõ 25, 45 Phan Đình Phùng; Khu vực Đê quai (cuối ngõ 124 Âu Cơ đến cuối ngõ 172 Âu Cơ); Khu vực K80 đường Bưởi – phường Vĩnh Phúc; Khu vực ngõ 267 Hoàng Hoa Thám, khu vực mặt đường Hoàng Hoa Thám từ số 267 Hoàng Hoa Thám đến đầu phố Văn Cao; Khu vực các ngõ 378, ngõ 460, ngõ 530, ngõ 562 Thụy Khuê (đặc biệt là ngách 378/65 Thụy Khuê); Khu vực mặt đường và các ngõ ngách từ 238 đến 242 Âu Cơ, khu vực mặt đường An Dương Vương, khu vực ngõ 479, ngõ 497 Âu Cơ. Quận Hoàn Kiếm: Khu vực 1, khu vực 2 phường Chương Dương, Phúc Tân; Dọc đường Trần Nhật Duật; Phố Tràng Thi, Quán Sứ, Trần Hưng Đạo – Lê Duẩn, phố Huế - Trần Hưng Đạo, Hàng Tre, Hàng Bè, Hàng Buồm. Quận Đống Đa: Khu vực nước yếu ngách 898/1, khu vực Đê la Thành I, đặc biệt là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh viện nhi TW. Khu vực ngách 25/7 phố Vũ Ngọc Phan; Ngõ Thái Thịnh II, ngõ 153 Thái Hà; Các ngõ ngách phố Nguyễn Phúc Lai, , Hoàng Cầu, Bãi rác Thành Công, La Thành 3, đặc biệt là 2 trường Đại học Văn Hóa, Mỹ Thuật; Ngõ Lệnh Cư, Kim Hoa, Đê La Thành 4; Ngách 66 ngõ Thông Phong, ngách 33 ngõ Văn Chương 2, KV Lê Duẩn; Khu vực ngõ 354 đường Trường Chinh. Quận Hai Bà Trưng: Khu vực Đê Thanh Lương, Đê Nguyễn Khoái, Đê Trần Khát Trân, phố Hồng Mai, Trần Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Lương Yên, Hoa Lư, Vân Hồ. Quận Hoàng Mai: Các khu vực cuối nguồn, cốt địa hình cao như ngoài đê (Lĩnh Nam), Đền Lừ, Đông Mỹ, Yên Mỹ, Duyên Hà, Bằng A Hoàng Liệt... Quận Cầu Giấy: Phường Quan Hoa. |
Võ Hải