Ghi nhận của VnExpress ngày 3/12, nhiều hành khách tập trung đến ga Sài Gòn để khiếu nại vì đã thanh toán tiền qua ngân hàng hoặc bưu điện nhưng không lấy được vé.
Ngồi chờ để được giải quyết từ sáng sớm, anh Chu Văn Hải, công nhân làm việc tại Bình Dương cho biết, anh đặt 8 vé khứ hồi Sài Gòn - Hà Nội qua mạng và thanh toán tiền qua bưu điện. Nhưng khi đến ga, anh chỉ nhận được 4 vé lượt vào và một vé lượt ra. Hoang mang vì sợ lỡ kế hoạch về quê ăn Tết của gia đình, anh phải xin nghỉ việc ở công ty, vượt 40 km đến ga Sài Gòn hỏi cho rõ thì được nhân viên ở đây giải thích rằng hệ thống không ghi nhận 3 vé lượt ra của anh.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Dũng đặt mua 3 vé về Quy Nhơn, song khi trả tiền thì chỉ thanh toán được 2, vé còn lại được nhân viên bưu điện giải thích là hết hạn thanh toán trong khi số vé trên được đặt cùng một thời điểm và được xác nhận đặt thành công.
Còn chị Cao Thị Oanh (ngụ quận 7) cho biết, ngày 1/12 chị lên mạng đặt thành công 3 vé đi Vinh ngày 14/2 (tức 26 tháng Chạp Âm lịch) và thanh toán tiền cũng được báo là thành công. Tuy nhiên, hôm sau chị nhận được email của ngành đường sắt kêu đi đóng tiền. “Sao tôi đóng tiền thành công rồi lại kêu đóng tiếp?”, chị Oanh thắc mắc.
Cũng gặp sự cố tương tự, song người đàn ông ngụ quận Bình Tân tỏ vẻ khá bức xúc khi cho biết đã đặt mua 4 vé đi Thanh Hóa ngày 13/2 (tức 25 tháng Chạp Âm lịch) thành công, sau đó ra bưu điện thanh toán tiền vé. "Thế mà sáng nay tôi ra ga lấy vé thì bộ phận xuất vé bảo là chưa thanh toán tiền, từ chối đưa vé. Thế này lỡ hết kế hoạch của nhà người ta", ông này nói.
Ông Phạm Công Thành, Trưởng phòng Công nghệ thông tin của Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho biết, những trường hợp đã thanh toán mà không lấy được vé là do đường truyền thanh toán ở các điểm bưu điện và ngân hàng bị nghẽn nên mã đặt chỗ chưa được cập nhật vào hệ thống cấp vé của ngành đường sắt. Khi người dân đến lấy vé hệ thống chưa cập nhật kịp nên nhà ga không thể in vé.
Trong khi đó, đại diện của FPT - đơn vị xây dựng hệ thống bán vé tàu điện tử - cho biết, các lỗi kỹ thuật liên quan đến đường truyền thanh toán sẽ được bộ phận kỹ thuật khắc phục trong ngày. Với những trường hợp chưa thanh toán được do bị lỗi kỹ thuật, hệ thống sẽ gia hạn thêm thời gian thanh toán.
Vị này cũng cho biết thêm, một số trường hợp phiếu thanh toán do nhân viên ở bưu điện hoặc ngân hàng viết tay khi đến ga lấy vé mà không được là do khi đó hệ thống thanh toán bị quá tải nên mã đặt chỗ chưa được gửi về hệ thống cấp vé. Ngoài ra, có thể do sau khi ghi phiếu thu xong các nhân viên bưu điện hoặc ngân hàng chưa cập nhật kịp mã đặt chỗ về hệ thống của ngành đường sắt nên khi người dân đến ga lấy vé mới xảy ra trường hợp không có.
“Thông thường khi hành khách thanh toán xong, mã đặt chỗ được gửi về hệ thống của ngành đường sắt, sau đó ngành đường sắt xác nhận rồi gửi lại cho ngân hàng hoặc bưu điện rồi nhân viên in phiếu đó cho người dân. Như hôm 2/12, khi hành khách đóng tiền buổi chiều, hôm sau mã đặt chỗ mới được chuyển về kho vé. Hành khách đến lấy vé sớm hơn thời điểm mã đặt chỗ chuyển về nên chưa có vé”, vị đại diện giải thích.
Ga Hà Nội cũng ghi nhận nhiều trường hợp tương tự, ngoài ra nhiều hành khách bị mất vé, thậm chí đặt vé sai nhưng đã thanh toán.
Liên quan đến những sự cố trên, trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lý giải, sở dĩ có việc hành khách đặt 8 vé nhưng chỉ lấy được 4 vé là do lỗi phần mềm đăng ký tự hủy do hành khách đã quá thời gian đặt vé theo quy định.
Theo lập trình, thời gian để hành khách lựa chọn và đặt vé là 10 phút, do mới sử dụng nên nhiều người thao tác chưa nhanh hoặc còn lưỡng lự khi lựa chọn giờ và chuyến tàu nên quá thời hạn này máy sẽ tự động hủy, dành cho người khác.
"Về việc này Tổng công ty đã làm việc với bên cung cấp phần mềm để căn chỉnh, đến hôm nay về cơ bản đã khắc phục xong, thời gian đã tăng lên 24 phút thay vì 10 phút như trước đây", ông Hoạch nói.
Còn việc hành khách bị mất vé, hoặc đóng tiền qua bưu cục nhưng khi đến ga không nhận được vé, ông Hoạch cho biết, số này chỉ chiếm phần rất nhỏ và "chúng tôi đã chỉ đạo cho các ga gọi trực tiếp cho hành khách để giải quyết thấu đáo", ông Hoạch nói.
Theo vị Phó tổng giám đốc, việc đặt mua vé tàu Tết qua mạng là một hình thức mới nên không thể tránh khỏi những vướng mắc. "Chúng tôi sẽ tiếp tục nghe góp ý, phản ảnh từ phía hành khách để phục vụ một cách tốt nhất", ông Hoạch nói.
Theo số liệu thống kê của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, trong hai ngày đặt vé qua mạng, 92.000 người đăng ký thành công và thanh toán qua những phương thức khác nhau, trong số đó có hàng trăm người đến để trả vé. Nguyên nhân chính được cho là do nhiều người mua một vé nhưng đặt 2 hoặc đặt sai lộ trình sau đó không hủy được.
Bá Đô - Hữu Công