22 năm sau vụ tai nạn máy bay rơi, bà Annette Herfkens trở lại Việt Nam lần thứ hai với những ký ức còn nguyên vẹn về "Thung lũng ma Ô Kha" (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa). Ký ức ấy cũng chưa khi nào ngủ yên trong tâm thức của những người từng vượt suối băng rừng tìm chiếc máy bay bị nạn.
Sáng 14/11/1992, người dân xã Sơn Trung đang làm rẫy trên núi bỗng thót tim vì tiếng nổ lớn khiến mặt đất rung chuyển dữ dội. Thoạt đầu ai cũng nghĩ có người nổ mìn phá đá, song sau đó thấy lực lượng quân đội, công an khắp nơi đổ về đông nghẹt, mới hay đó là một vụ tai nạn máy bay. Lúc đó, cơ quan chức năng khoanh vùng chiếc Yak 40 mang số hiệu VN474 và huy động lực lượng tìm kiếm cả trên núi, đồng bằng và vùng biển nhưng đều vô vọng…
Đường từ Cam Ranh lên huyện vùng cao Khánh Sơn gặp nhiều khó khăn, cách trở. Hàng nghìn chiến sĩ bộ đội, công an, du kích cùng thanh niên địa phương được huy động lập thành nhiều tổ, chia nhiều hướng khác nhau tìm kiếm máy bay gặp nạn giữa mùa đông mưa dầm giá rét.
Ban chỉ đạo tìm kiếm máy bay bị nạn được thành lập ở thị trấn Tô Hạp và Ban Chỉ huy tìm kiếm đặt tại xã Sơn Trung. Mỗi người tham gia đội quân cứu hộ mang theo ít nhất 10 kg gạo, mì tôm, cá khô, xoong nồi, võng dù, đèn pin, ít thuốc men và cây rựa để phát dọn dây leo mở đường rừng. Ban ngày tập trung tìm kiếm, đêm về dựng lều bạt tạm giữa rừng nấu ăn và ngủ lấy sức.
"Những ngày đó trời mưa dầm dề, sương mù dày đặc lạnh thấu xương. Nhiều đêm mưa to quá ai cũng ướt như chuột lột, vắt bám đầy người, nhiều thành viên của đoàn cứu hộ ngã bệnh kiệt sức phải ăn cháo loãng với rau rừng cầm hơi", ông Cao Văn Nhiến, nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan quân sự huyện Khánh Sơn kể.
Sau nhiều ngày không có kết quả vì phạm vi tìm kiếm trải rộng, khả năng quan sát hạn chế do trời mưa gió liên tục. Lần theo thông tin của người dân về việc nghe tiếng nổ phía Đông Bắc đỉnh núi Ô Kha, lực lượng cứu hộ đổ dồn về xã Sơn Trung.
Lực lượng cứu hộ chia thành năm tổ (mỗi tổ 7 đến 12 người) chia làm ba hướng nhắm thẳng lên đỉnh Ô Kha. "Đến ngày thứ 4, chờ đến gần trưa, trời bừng nắng, đứng trên đỉnh núi cao chúng tôi cầm ống nhòm quan sát thì phát hiện từ xa cả vạt rừng cây cối đổ xác xơ. Nghi đây là vị trí máy bay Yak 40 rơi, tối hôm đó chúng tôi báo Sở Chỉ huy huy động lực lượng đến khu vực này", ông Nguyễn Thành Chung, nguyên Phó Chỉ huy tham mưu trưởng Cơ quan quân sự huyện Khánh Sơn - người trực tiếp chỉ huy tìm kiếm Yak 40 cho biết thêm.
Sang ngày thứ 5, tổ dân quân cơ động do ông Mấu Quốc Tân, Xã đội trưởng xã Sơn Trung phụ trách vượt dốc cao, lội suối sâu đi xác minh đã báo về Sở chỉ huy đây là khu vực máy bay Yak 40 lâm nạn. Ngày thứ 6, lực lượng cứu hộ tăng cường thêm khoảng 30 người cấp tốc đến hiện trường thì trời đã tối mịt.
Sang ngày thứ bảy, lực lượng cứu hộ tìm thấy đuôi máy bay và cả vạt rừng rộng lớn bị cháy rụi. Ông Cao Văn Hạnh (55 tuổi), người đầu tiên phát hiện cô gái trẻ người nước ngoài, trùm áo mưa ngồi trên phiến đá sát với nhiều xác chết, ra hiệu xin nước uống. "Giữa rừng già hoang vắng, thấy bóng người thều thào yếu ớt, nghĩ đó là ma nên tôi chạy đi báo anh em cứu hộ. Khi mọi người đến gần tôi mới tin cô ta là nạn nhân duy nhất còn sống sót trong vụ tai nạn", ông Hạnh kể.
Vừa tìm thấy các nạn nhân cùng xác máy bay chưa kịp nghỉ ngơi, lực lượng cứu hộ lại nhận được tin chiều 22/11/1992 trực thăng Mi-8 chở bảy người đi cứu nạn cũng rơi ở khu vực này. Lúc ấy, Bộ Quốc phòng đã huy động lực lượng từ Hà Nội, Sài Gòn gần trăm lượt trực thăng, hàng nghìn chiến sĩ, người dân tiếp tục tìm kiếm Mi-8 ở vùng cao Khánh Sơn. Nhiều người đi vội, không kịp chuẩn bị tư trang nên băng rừng, vượt suối bị vắt cắn đầy người. Đêm xuống, các chiến sĩ dựng lều bạt tạm, lót lá, cành cây trải ven suối để làm chỗ ngủ... Riêng Cơ quan quân sự huyện Khánh Sơn huy động hai trung đội gần 70 cán bộ, chiến sĩ tham gia cùng đoàn quân tìm kiếm Mi-8.
Sau chuỗi ngày dài tìm kiếm nhưng không thấy dấu hiệu của Mi-8, Quân chủng Không quân công bố thông tin rộng rãi huy động nhân dân địa phương giúp đỡ. Suốt gần một tháng, từng đoàn người nối tiếp nhau vào thung lũng Ô Kha, tỏa đi mọi ngóc ngách núi rừng tìm kiếm nhưng dấu tích chiếc trực thăng vẫn biệt tăm.
Nỗ lực tìm kiếm Mi 8 chìm dần trong vô vọng, ai cũng cảm giác mệt mỏi rã rời thì đến ngày thứ 28, anh hùng lực lượng vũ trang Bo Bo Tới cùng ba người dân địa phương về báo tin "Mi-8 rơi cách tọa độ mất tích trên màn hình ra đa và chiếc Yak 40 khoảng 5 km về hướng Đông". Tại hiện trường, chiếc trực thăng bị cháy hỏng hoàn toàn. Bảy chiến sĩ, bác sĩ trên trực thăng đều hi sinh. Vất vả tìm kiếm suốt gần tháng trời ở trong rừng mùa đông lạnh giá nên hầu các thành viên cứu hộ trở về đều bị sốt rét.
Ô Kha là ngọn núi có hình yên ngựa, cao hơn 1.000 m cách thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn hơn 10 km, nằm giữa hai ngọn núi Ma Hang phía Đông và Suối Chè ở phía Bắc. Tháng 11/1992, khi chiếc Yak 40 gặp nạn, ngoài khơi Nha Trang có bão gây gió lớn và thời tiết xấu ở Nam Trung Bộ. Hướng gió thổi tạo góc với hướng của dãy núi gây ra hiện tượng gió thung lũng và sóng núi. Dòng gió bị biến dạng khi thổi qua sườn núi tạo nên dòng giáng mạnh ở sườn phía khuất gió.
Yak 40 cất cánh từ TP HCM đi Nha Trang mang theo 31 hành khách và phi hành đoàn, rơi ở thung lũng Ô Kha, khi chỉ cách đích đến khoảng 19 dặm. Duy nhất Annette Herfkens sống sót, hôn phu đi cùng bà cũng tử nạn. Nguyên nhân được cho là máy bay khi vào khu vực này bị tác động bởi nhiễu động địa hình, bị giật lắc bất thường, tạo lực hút nguy hiểm. Yak 40 có thể xin hạ độ cao hơi sớm khi đang trong khu vực hiểm trở, gió núi, sóng núi mạnh, tầm nhìn bị che khuất… đã gặp nạn. Tiếp đó chiếc trực thăng Mi-8 chở theo bảy người sau đó bay từ Nha Trang lên Khánh Sơn tiếp tế có thể đã gặp tình huống tương tự khi buộc phải bay qua thung lũng trong tình thế nguy cấp. |
Trí Tín