Thứ năm, 15/12/2016, 21:46 (GMT+7)
Thứ năm, 15/12/2016, 21:46 (GMT+7)

Những đêm dài thiếu đói trước Đổi mới

Trong ký ức dân làng Láng (Thanh Hoá) năm 1984 là cao điểm đói. Đê sông Cầu Chày vỡ, cả xã chìm trong lũ, mùa màng mất trắng dân làng phải hái rau má, mót sắn ăn qua bữa…

Nông thôn miền Bắc những năm 80 thế kỷ trước như một bức tranh ít gam sáng. Đại bộ phận gia đình từ nông dân đến cán bộ rơi vào cảnh khó khăn, quanh năm thiếu đói. Nguyên nhân một phần sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cộng thêm cơ chế quản lý theo mô hình hợp tác xã được đánh giá là “kéo lùi sự phát triển xã hội”.

nhung-dem-dai-thieu-doi-truoc-doi-moi

Chiếc kẻng được tận dụng từ vỏ quả bom thời chiến còn sót lại ở trụ sở UBND xã Phú Yên. Những năm 80, mỗi khi nghe tiếng kẻng vang lên, xã viên lại đủng đỉnh ra đồng làm việc. Ảnh: Lê Hoàng. 

Là ngôi làng cổ thuần nông nằm ven bờ sông Chu xã Phú Yên (Thọ Xuân, Thanh Hóa), làng Láng từng được nhiều người biết đến qua bút ký nổi tiếng Cái đêm hôm ấy… đêm gì của cố nhà văn, nhà báo Phùng Gia Lộc. Lấy bối cảnh chỉ là một đêm thu thuế ở làng, nhưng Phùng Gia Lộc đã khắc họa sâu sắc đời sống cùng cực ở vùng thôn quê thời bấy giờ.

Nhắc lại những năm trước đổi mới, cụ ông Phùng Gia Miện (76 tuổi, xã Phú Yên) bảo vẫn hằn nguyên trong ký ức, mỗi lần hồi tưởng lại thấy cay khóe mắt. “Ngày ấy đói lắm, đói đến xanh xao vàng vọt…”, ông Miện kể.

Từng 13 năm làm cán bộ, vừa bí thư, vừa chủ tịch xã nên ông Miện nhớ rõ số nhân khẩu, nóc nhà hay diện tích đất xã Phú Yên. Ngày ấy xã có khoảng 5.000 nhân khẩu, 1.000 hộ, kinh tế phụ thuộc sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã chi phối toàn bộ đời sống kinh tế xã hội, chính quyền dù có nhưng không bằng “ông hợp tác”. Chủ nhiệm hợp tác xã luôn có vai vế trong làng bởi quản lý toàn bộ đội sản xuất, tư liệu sản xuất và thành quả lao động.

“Ruộng đất, trâu bò, đến cái cày cái cuốc… đều của hợp tác xã. Ai đi cày, ai chăn nuôi, ai đắp bờ, nhổ mạ đều do hợp tác phân công. Mỗi sáng khi tiếng kẻng vang lên, bà con đủng đỉnh ra đồng làm việc, chưa hết giờ làm lại ngóng kẻng ra về. Người nông dân không quan tâm đến chất lượng công việc, lúa tốt xấu cũng mặc kệ, họ chỉ lo đầy công”, ông Miện kể.

Sau mỗi buổi làm việc, xã viên quay về hợp tác lấy phiếu chấm công, cứ 10 điểm tương đương một công. Ví dụ, cày một sào ruộng được tính 10 điểm, kể cả đắp bờ, nhổ mạ cũng quy ra điểm. “Vì tính công theo kiểu cào bằng nên người dân có tâm lý lười nhác, làm chiếu lệ. Có anh cày một đường bỏ một đường, đắp bờ có khi chỉ be bốn góc rồi về báo cáo lấy điểm”, ông Miện nhớ lại.

nhung-dem-dai-thieu-doi-truoc-doi-moi-1

Ngồi trong căn nhà gỗ được dựng từ mấy chục năm trước, cụ ông Phùng Gia Miện bảo, nhớ như in những năm đói kém trước đổi mới. Ảnh: Lê Hoàng.

Mỗi ngày công khi ấy tương đương dăm lạng thóc, hầu như không có vụ nào được nổi một kg. Người dân không có động lực sản xuất nên năng suất lao động rất thấp. Xã Phú Yên (cùng với Thọ Hải, Xuân Thành) những năm 80 dù là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp quốc gia, nhưng thiếu ăn thường xuyên. Bữa ăn trong các gia đình không mấy khi có bát cơm trắng, chỉ toàn sắn và ngô độn.

Gia đình ông Miện lúc đó có 7 khẩu, riêng ông được nhà nước cấp 21 kg gạo mỗi tháng theo chế độ bệnh binh, còn lại 6 khẩu ăn theo chế độ nông nghiệp. Mỗi tháng vợ con ông chỉ được chia 6-7kg lúa/khẩu, vụ nào được mùa thì tăng lên khoảng 10 kg.

Trong ký ức của dân làng Láng, năm 1984 là cao điểm đói kém. Mùa mưa năm ấy, đê sông Cầu Chày bị vỡ, cả xã chìm trong nước lũ, mùa màng mất trắng. Ông Miện bảo, dù không có người chết vì đói lả, nhưng đời sống cơ cực khiến dân làng phải đi tứ tán tìm hái rau má, mót sắn ăn qua bữa…

Không chỉ đói ăn, người dân còn thiếu cái mặc. Mỗi năm mỗi người được phân phối một bộ quần áo bằng vải chéo xanh, vải xô hay vải phíp (loại vải Nga dùng làm bì đựng phân được tận dụng may quần áo). “Vải xấu song cũng không đủ phân phối. Có gia đình ông bà già bốc thăm phải hai bộ quần áo trẻ con đành ngậm ngùi lấy về, đem đổi cho người khác hoặc cho con cháu mặc, còn họ vận bộ quần áo vá chằng vá đụp”, cụ Miện kể tiếp.

Thái Bình là vựa lúa của miền Bắc, nhưng trước năm 1986 người dân cũng đói dài bởi kiểu làm ăn bao cấp. Bà Nguyễn Thị Thúy (59 tuổi) nhớ như in những ngày đi cấy lúa tập thể một mẫu ruộng (10 sào) mà 10 người làm mấy ngày mới xong. Trong khi bây giờ, một người một ngày có thể cấy xong cả sào ruộng.

“Vào hợp tác xã, hộ nông dân phải đóng góp tất cả tư liệu sản xuất mà mình có, từ ruộng đất, trâu bò, cày cuốc… để ban chủ nhiệm hợp tác xã quản lý. Khoán việc không quy trách nhiệm cho ai, xã viên không thấy được quyền lợi của mình nên làm kiểu cầm chừng”, bà giải thích. Cựu dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Mỹ bảo, từ nơi vào sinh ra tử trở về quê hương, thấy nạn đói vẫn hoành hành mà "đau đớn".

Mỗi ngày đi làm công cho hợp tác xã, bà Thúy được tính 10 điểm, một vụ lúa nhận về một tạ thóc. Gia đình bà Thúy mỗi ngày chỉ có hai bữa mà nồi cơm bao giờ cũng “một hạt gạo cõng mấy củ khoai, nồi còn hơi mà cơm đã hết”. Thi thoảng bà nhận được cứu trợ là mì hạt, ngô răng ngựa, hạt bo bo (hạt tẻ) để độn vào cơm, có lúc thổi lên vẫn rắn như đá.

Dân làng đào kênh dẫn nước vào đồng ruộng. Ảnh: Philip Jones Griffiths/Magnumphoto

Dân làng đào kênh dẫn nước vào đồng ruộng thời hợp tác xã. Ảnh: Philip Jones Griffiths/Magnumphoto

Từ năm 1981, mô hình hợp tác xã được chuyển thành khoán sản phẩm theo nhóm 15-20 hộ gia đình phụ trách khoảng 20 mẫu ruộng. “Tuy vậy, cơ chế tập trung quan liêu vẫn tồn tại trong hợp tác xã. Mức khoán cao, 80% sản phẩm làm ra chúng tôi phải nộp cho hợp tác xã. Chỗ còn lại dùng để đóng đủ loại thuế nên cuối cùng xã viên được hưởng chẳng là bao. Động lực lao động dần bị triệt tiêu”, ông Đinh Bá Thành (66 tuổi, Thái Bình) kể.

Người đàn ông tóc bạc trắng gần hết nhớ lại chuyện xã bắt dân nuôi lợn nghĩa vụ. Lợn giống xã viên phải tự mua, tự nuôi nhưng khi bán thì không được mang ra chợ mà phải bán cho cửa hàng thực phẩm của xã với giá “bán như cho, nuôi như cúng”. Lợn ốm, xã viên muốn giết mổ phải được đội quản lý cho phép.

“Thái Bình ngày ấy rất nhiều ao, nhưng là của tập thể. Những ao bỏ không, xã cũng không cho cá nhân nuôi cá, tôm. Cua cá ở ngoài ruộng cũng là của hợp tác xã. Xã viên nào tự ý bắt là bị gom lên xã liền”, ông Thành nhớ lại.

 Ký ức về nông thôn thời kỳ hợp tác xã.

Gia đình 7 khẩu nhà ông Thành trông chờ vào 10 thước đất 5% (đất riêng của mỗi cá nhân, chia theo khẩu năm 1960, mỗi khẩu được 36 m2) để một năm cấy hai vụ lúa, trồng rau màu, ngô khoai. Thóc gạo không đủ cho người ăn nên đàn gà nuôi cả năm mới lên được một kg, da bọc xương.

“Năm 1981, vợ chồng tôi đẻ đứa thứ 4. Bà xã khi ấy chỉ được ăn ngày hai bữa cơm độn khoai lang. Gạo còn lại để dành cho 3 đứa nhỏ tuổi ăn”, ông Thành kể. Cái được duy nhất của những năm bao cấp, theo ông Thành là đi viện, đi học không mất tiền.

Với mô hình quản lý kinh tế, xã hội tập trung, bao cấp, Việt Nam trải qua nhiều khủng hoảng. Mùa đông năm 1986, Đại hội VI của Đảng diễn ra từ 15 đến 18/12, Tổng bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Ông cùng đội ngũ lãnh đạo đất nước đã quyết định “bẻ lái”. Nhân dịp này, VnExpress đăng loạt bài về một thời khó quên trước, trong và sau Đổi mới.

Lê Hoàng - Quỳnh Trang

 
Chia sẻ bài viết qua email