Sáng 5/8, tại trụ sở UBND xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, Quảng Trị), ông Lê Minh (54 tuổi, trú thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong) đại diện cho nhóm thợ săn gồm 4 người ký hợp đồng dân sự với xã Cam Tuyền về việc đặt bẫy bắt đàn trâu dữ gồm 9 con.
Việc đặt bẫy kéo dài trong 10 ngày, tại khu vực rừng thông, cao su và tràm ở tiểu khu 604, 605 tại xã Cam Tuyền. Thù lao trả cho nhóm này là 60% giá trị đàn trâu. Nếu không có ai mua trâu hoặc mua với giá thấp, nhóm này thỏa thuận mua trâu với giá hợp lý.
Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết thời gian qua có nhiều nhóm người đến đặt vấn đề bẫy trâu, nhưng nhóm thợ này trình bày phương án được cho là khả thi nhất. “Nhóm thợ cam kết bắt sống tạo thuận lợi để bán trâu, hoặc thả trâu ra nếu bắt nhầm trâu nhà”, ông Sơn nói.
Ông Lê Minh, trưởng nhóm thợ săn cho biết có 10 năm kinh nghiệm bắt trâu hoang ở nhiều vùng núi các huyện Triệu Phong, Hải Lăng… “Chúng tôi chưa từng về tay không trong các đợt bẫy bắt trâu. Ít nhiều gì đều có chiến lợi phẩm”, ông Minh khẳng định.
Người đàn ông rắn rỏi cho hay mỗi đợt săn trâu thường kéo dài khoảng 7-10 ngày. Đợt bắn nhiều nhất của nhóm này là 5 con trâu. Thù lao của mỗi lần săn trâu hoang luôn là thợ săn 60%, gia chủ 40% giá trị con trâu bắt được.
Ông Minh nói đồ nghề bắt trâu thì ai cũng có thể chế được, nhưng kinh nghiệm và kỹ năng thì không phải ai cũng có. Ông giới thiệu đồ nghề chỉ gồm một cọc neo bằng sắt phi 20 đóng sâu xuống đất 1 mét, dây cáp phi 10 dài khoảng 2,5 mét được thắt bằng dây phanh xe đạp thành thòng lọng. Ngoài ra còn có một bàn chông tròn hình phễu để kẹp chân trâu.
Mỗi cọc neo thường được bố trí 4-5 dây cáp xung quanh thành "thiên la địa võng" để thắt chân trâu, có thể là 1 chân hoặc nhiều hơn. Khi trâu sập vào bàn chông và tháo chạy thì thòng lọng thắt chặt, giữ trâu lại để nhóm thợ khống chế.
“Điểm mấu chốt để bắt được trâu là ngụy trang sau khi đặt bẫy để trâu không nhận ra. Bẫy nằm âm dưới đất 2-3 cm, cỏ cây được phủ lên như cũ. Lớp đất mới đào lên mang đi nơi khác đổ”, ông Minh nói. Khu vực đặt bẫy là nơi trâu ăn nghỉ, nằm chơi, tắm mát.
“Tốt nhất sau khi đặt bẫy là trời mưa thì mọi dấu vết và hơi của người không còn. Nếu không thì phải sau 5 ngày để bay hết mùi, bẫy bắt đầu phát huy”, anh Trần Đức Hùng, một thợ săn khác thông tin thêm. Đàn trâu bị bẫy lần đầu dễ bắt hơn vì chúng không đề phòng.
Bên cạnh đặt bẫy, nhóm này cử 2 người thường xuyên ở lại rừng để canh đàn trâu. Những lúc không được thuê, cả nhóm trở về với công việc đồng áng.
10 năm săn trâu hoang, ông Minh nói không ít lần bị trâu tấn công, “nhưng trâu càng hung dữ thì tôi càng hứng thú”. Ông này chia sẻ khi gặp trâu hoang tấn công thì dùng áo khoác, hoặc bất cứ vật gì cầm ở tay rồi đưa ra ngang người. Khi trâu lao đến thì nhanh chóng vứt áo ra xa, con trâu sẽ lao vào giằng xé cái áo. Đây là thời điểm thích hợp để tìm cây cao leo lên chờ trâu bỏ đi.
Do chưa kịp chuẩn bị bẫy, nhóm thợ sẽ chính thức đặt 50 bẫy vào ngày 6/8. Nếu việc đặt bẫy không thành công, Ban chỉ huy quân sự huyện Cam Lộ đã xây dựng phương án dùng súng quân dụng để bắn hạ đàn trâu.
Trong tháng 5/2016, đàn trâu 9 con tấn công nhiều người dân khi vào rừng sản xuất. Đây là trâu nhà, thả hoang lâu ngày nên mất tập tính hiền lành. Gần đây, đàn trâu thường chủ động tấn công khi thấy người dân ở khoảng cách 50 mét. Cách đây vài ngày, hai vợ chồng làm cao su phải bỏ xe máy chạy trốn đàn trâu này.
Hoàng Táo