19h ngày 11/7, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã nối máy Icom với 5 ngư dân trên tàu cá QNg 90479 TS do ông Võ Văn Lựu (50 tuổi, xã Bình Châu) làm thuyền trưởng.
"Sau khi được cứu và sức khoẻ bình phục, các ngư dân bắt đầu lên đường về lại đất liền. Do quãng đường khoảng 300 hải lý, trên biển lại có sóng to, tàu chỉ di chuyển được tầm 3 hải lý/h, nên phải mất khoảng 2 ngày các ngư dân bị nạn mới về đến nhà", ông Hùng cho biết.
Qua Icom, các ngư dân cho biết trưa 9/7, thuyền trưởng Lựu và một thuyền viên khác đang ngủ trên tàu tại vùng biển Hoàng Sa thì có hai ca nô được hạ xuống từ hai tàu Trung Quốc số hiệu 46102 và 56103 áp sát. "Nhóm người Trung Quốc lên tàu mang theo dùi cui đòi đánh khiến anh em ngư dân hoảng sợ", ông Hùng thuật lại.
Theo các ngư dân, hai bên có xô xát nhẹ trên tàu cá. Nhóm người Trung Quốc sau đó xuống ca nô về lại hai tàu vỏ sắt màu trắng đục, to gấp nhiều lần tàu cá. Lát sau, tàu sắt phía Trung Quốc tăng tốc, hướng thẳng mũi về phía tàu cá của ông Lựu và một tàu Quảng Ngãi số hiệu QNg 95001 TS ở gần đó.
"Anh em ngư dân nói hình như là tàu cảnh sát biển của Trung Quốc nhưng lúc đó chỉ đọc và nhớ được số hiệu, còn dòng chữ ghi trên thân tàu anh em không biết ngoại ngữ nên không đọc được", ông Hùng kể và cho biết con tàu sắt lao đến va vào thân tàu vỏ gỗ của ông Lựu.
Bị vỡ phần thân, nước nhanh chóng tràn vào các khoang tàu. Thuyền trưởng Lựu cùng các thuyền viên tìm mọi cách bịt vết thủng nhưng không thành. Con tàu nhanh chóng chìm xuống biển. Lúc này, hai tàu Trung Quốc vẫn lượn quanh nơi tàu gỗ chìm nhưng không cứu giúp.
"Các anh em phải xoay xở tìm cách bám trụ ở phần mũi tàu nổi trên mặt nước. Tàu QNg 95001 TS của thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh nhìn thấy tàu ông Lựu chìm nhưng không dám vào cứu vì sợ các tàu Trung Quốc sẽ đâm chìm", ông Hùng kể và cho hay phải đến chiều tối, khi các tàu Trung Quốc bỏ đi, thuyền trưởng Khanh mới cho tàu chạy lại và kịp cứu sống 5 ngư dân.
Tàu cá của ông Lựu công suất 430 CV, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Bị đâm chìm, các ngư dân đành bỏ lại xác tàu cùng nhiều tấn hải sản sau 1 tuần đánh bắt trên biển để về đất liền. "Anh em ngư dân nói có chụp được hình ảnh của hai con tàu Trung Quốc đe doạ và đâm chìm tàu anh Lựu, khi về bờ sẽ cung cấp cho lực lượng chức năng", ông Hùng nói thêm.
Trước đó khoảng 11h ngày 9/7, tàu cá Quảng Ngãi do ông Lựu làm thuyền trưởng đang đánh bắt hải sản trên biển, tại toạ độ 16,06 độ vĩ Bắc - 113,06 độ kinh Đông (cách Đà Nẵng khoảng 290 hải lý) thì bất ngờ bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Các thuyền viên ngâm mình dưới nước hơn 7 tiếng đồng hồ mới được cứu do hai tàu Trung Quốc ngăn cản.
Ngày 8/7, truyền thông Trung Quốc cho biết nước này bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn tại Biển Đông, do hải quân Trung Quốc tiến hành, với khu vực trải dài từ Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ ngày 19/1/1974 đến nay. Cuộc tập trận này diễn ra ngay trước khi Tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan), công bố phán quyết về vụ kiện của Philippines với "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự đưa ra để đòi chủ quyền ở Biển Đông. Phía Trung Quốc cũng ngang nhiên thông báo cấm tàu bè đi lại ở khu vực tập trận bắn đạn thật từ ngày 5 đến 11/7. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 4/7 đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, việc Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). |
Nguyễn Đông