Anh Lê Văn Tiến, làm việc tầng 35 tòa nhà Keangnam đang làm việc bỗng thấy người lâng lâng, chóng mặt, nôn nao. Sau đó, anh thấy rất nhiều người sợ hãi chạy xuống dưới đường để xem có chuyện gì xảy ra. "Khoảng 5 phút sau, cho rằng đó là động đất nhẹ nên mọi người quay trở lại hoạt động bình thường, một số khác thì đi về nhà luôn", anh Tiến nói.
Vẫn còn trong trạng thái sợ sệt, anh Nguyễn Xuân Hùng, làm việc trong tòa nhà trên phố Phan Chu Trinh cho biết, lúc mọi người đang chào nhau để về thì bỗng nhiên thấy người chao đảo, ai cũng sợ sệt, một số bạn nữ còn hét to. "Lúc đó tôi thấy đống tài liệu tự nhiên đổ xuống đất, chiếc cốc bỗng rung lắc. Vài phút sau mọi việc trở lại bình thường", anh Hùng cho hay.
Tại một số tòa nhà văn phòng khác và chung cư, người dân cũng đều cảm nhận rõ cảm giác rung lắc. Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) xác nhận, 18h8 (theo giờ Hà Nội) đã xảy ra một trận động đất có độ lớn 6,2 độ Richter ở tỉnh Chiang Rai, Thái Lan; độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Viện chưa kết luận việc này có liên quan đến sự rung lắc ở Hà Nội. Tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia, rung chấn ở Hà Nội có liên quan.
Tháng 10/2012, Hà Nội cũng bị một đợt rung chấn do ảnh hưởng của trận động đất ở Hải Phòng. Theo thống kê, ở Việt Nam có 30 khu vực có thể phát sinh động đất, trong đó có 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Mức chấn động mạnh nhất lên tới 6,8 độ richter, đủ để đánh sập nhà cửa.
Việt Nam nằm trong khu vực có hoạt động địa chất và đứt gãy mạnh. Động đất thỉnh thoảng mới xuất hiện nhưng diễn biến khá phức tạp. Một số trận có cường độ mạnh như ở Điện Biên năm 1935 (6,7 độ richter), Tuần Giáo - Lai Châu năm 1983 (6,8 độ richter)...
Hương Thu