Chiều 23/7, bờ biển khu vực vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận, vẫn còn hàng trăm người nhốn nháo sau nhiều giờ rơi xuống biển khi nhà hàng sập. Họ tìm lại tài sản, bạn bè, thân nhân sau sự cố nhiều người gọi là "quá kinh hoàng". Một số nhà bè khác tại vịnh đã di tản hết khách lên bờ sau tai nạn.
Anh Trịnh Anh Thơ, trưởng đoàn khách du lịch cho biết, gần 150 người xuất phát hôm qua từ TP HCM đi chơi tại Bình Thuận – Ninh Thuận hai ngày hai đêm. Sáng nay đến vịnh Vĩnh Hy chơi. Khoảng 10h đoàn anh Thơ lên nhà hàng nổi. Lúc đó trên bè có 3 đoàn, khoảng 300 khách.
Ngồi ăn một chút thì chiếc bè kêu "rắc rắc", sau đó là tiếng "ầm" rất lớn. Anh Thơ hướng dẫn đoàn khách của mình lên bờ qua chiếc cầu phao. Những khách ở đoàn khác ngồi gần cầu phao đều chạy thoát, riêng những người ngồi ngoài cùng khó chạy hơn.
"Rất nhiều người níu nhau, la hét. Những ai trên bè biết bơi thì nhảy xuống nước bơi vào bờ. Chúng tôi tìm những thứ nổi được quăng hết xuống nước cho mọi người bám vào. Những người tử vong và bị thương có lẽ ngồi ngoài cùng không thoát kịp", anh Thơ nói.
Sự cố xảy ra rất nhanh, khu vực nhà hàng chìm khá sâu, chỉ phần mái nổi lên mặt nước. Khá đông người kịp trèo lên đó chờ được cứu. Nhiều thuyền đưa đón du khách và các thanh niên ở bè bên cạnh lấy áo phao ném xuống biển, đến vớt những nạn nhân. "Họ hốt hoảng, la hét, mặt tái mét khi được đưa lên bờ, trong đó có nhiều phụ nữ bồng con khóc lóc", một du khách kể.
Loay hoay sấy khô mớ tài sản bị ướt, anh Phan Thanh Tuấn (30 tuổi, quê Tiền Giang) cho biết là điều dưỡng khoa điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện Trưng Vương tại TP HCM. Hơn 22h ngày 22/7, đoàn khách của anh gồm 44 người từ TP HCM ra Ninh Thuận chơi, thông qua tuor du lịch hợp đồng trước.
Sáng nay, ôtô khách đưa đoàn đến nhận phòng tại resort ở Vĩnh Hy, rồi đi tham quan khu vực. Khoảng 10h, đoàn lên tàu đáy kiếng đi ngắm san hô. Lúc sau, mọi người tập trung lên bè ăn trưa, được xếp ngồi 4 bàn xếp thành dãy dài. Bàn anh gồm 10 người, hướng đối diện với bếp của nhà hàng. Gần kết thúc bữa ăn, mọi người chỉ ngồi uống nước, anh nghe nhiều tiếng động và la ó.
"Rất đông người ở bên trái chúng tôi nhốn nháo. Phía dưới nước tràn vào, lọt qua các tấm ván của nhà hàng. Khung cảnh lúc đó rất hỗn loạn", nam điều dưỡng nhớ lại.
Theo phản xạ, mọi người trong đoàn của anh vớ lấy tài sản, túa ra cuối bè, nơi có để tấm bảng "thoát hiểm," nhưng không kịp bởi nước tràn rất nhanh. "Chừng 30 giây, nước đã tràn lên quá ngực, tôi chỉ kịp ôm thùng nhựa chứa nước đá bơi lên mái tôn rồi vào bờ", anh Tuấn nhớ lại và cho biết không ai kịp lấy áo phao để mặc. Nhiều trẻ em được phụ huynh ẵm vùng vẫy dưới nước, một số khác bơi bám theo cha mẹ đến nơi an toàn.
Đoàn khách của anh Tuấn vào bờ an toàn. Riêng nữ điều dưỡng Trần Thị Hồng Thi (25 tuổi) vớ chiếc áo phao đã thoát được nạn, nhưng sực nhớ chiếc túi xách vẫn còn trên bè nên chị trở lại lấy, lúc bơi vào bờ không may bị đuối sức, ngất lịm.
"Cô ấy được mọi người cứu nhưng bất tỉnh do uống phải nhiều nước. Lúc nhập viện, Thi rơi vào tình trạng khó thở, đau ngực và ho ra máu. May mắn được cứu chữa kịp thời nên Thi đã qua cơn nguy kịch", anh Tuấn cho biết. Theo lời anh Tuấn, khi lên bè ăn uống đoàn khách của anh không hề nghe nhắc nhở mặc áo phao.
Còn nguyên vẻ bàng hoàng, anh Nguyễn Kiên Trường (quê Đồng Nai) cho hay quang cảnh rất hỗn loạn. Tuy nhiên mọi người không quá chen lấn mà chủ động nhường phụ nữ, trẻ em đang sợ hãi, níu nhau, chạy trước.
Theo anh Trường, ngoài 2 người tử vong và một số đang điều trị ở bệnh viện, rất nhiều người bị hỏng điện thoại do rớt xuống nước hoặc mất túi xách, tài sản lúc nhốn nháo trên bè. Khoảng 10 phút sau khi bè sập thì lực lượng cứu hộ đã có mặt, thời tiết lúc đó khá đẹp, biển không có sóng lớn.
Tuy nhiên, vụ tai nạn làm 2 người tử vong, nhiều người khác được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Theo một nhân viên của Công ty du lịch Vĩnh Tiến - đơn bị quản lý làng bè bị nạn - khu vực này không có người dân ở, chủ yếu là những nhà hàng bè dạng nổi để phục vụ du khách cũng như dịch vụ đi thuyền ngắm biển.
"Khi xảy ra tai nạn, nhiều người dân và nhân viên ở các nhà hàng lân cận đã nhanh chóng đưa canô, tàu thuyền cùng áo phao ứng cứu. Khoảng 15 phút cơ bản đưa được các nạn nhân vào bờ", anh này cho biết.
Nhà bè bị nạn có khoảng 40 bàn, ngang 30 m, dài chừng 50 m, có thể chứa đến 700 người và cách TP Phan Rang 40 km. Bè bị sập làm bằng ván gỗ, mái lợp tôn, nổi trên biển nhờ các thùng nhựa cỡ lớn gắn xung quanh. Du khách muốn ra bè sẽ đi bằng một đường dẫn, hoặc được tàu chở ra.
Nhà chức trách Ninh Thuận cho biết, nguyên nhân tai nạn là khi tàu đáy kính chở khoảng 20 du khách đi qua đã va vào góc phải của bè nhà hàng nổi. 300 khách lúc đó hoảng loạn, chạy về mạn trái khiến bè bị nghiêng, rồi sập.
Ông Võ Đức Triều - Giám đốc Sở GTVT Ninh Thuận - cho biết, nhà hàng này ban đầu chỉ là bè nuôi thủy sản, dần dần chuyển sang hoạt động kinh doanh du lịch. Theo quy định quản lý nhà nước về giao thông thủy nội địa các nhà hàng nổi ở khu vực này phải thực hiện đăng ký, đăng kiểm. Nhưng thực tế, các nhà hàng nổi này không đủ điều kiện.
Công ty Vĩnh Tiến, nơi du khách gặp nạn chỉ có giấy phép kinh doanh ăn uống, dịch vụ du lịch nhà hàng...
>> Video: Náo loạn cứu hàng trăm du khách rơi xuống biển vì nhà hàng sập
Nhóm phóng viên