Sáng 12/12, nhiều ôtô bị lực lượng CSGT (thuộc tổ chuyên đề Xử lý vi phạm giao thông bằng phương tiện kỹ thuật) tuýt còi khi tổ chức chốt chặn tại khu vực Trạm thu phí đường hầm vượt sông Sài Gòn. Đây là ngày đầu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP HCM (PC67) chính thức triển khai việc xử phạt "nguội" đối với những hành vi vi phạm giao thông của các phương tiện đã bị camera ghi hình trước đó.
9h sáng, liên tiếp nhiều ôtô bị CSGT ra hiệu lệnh dừng khi qua hầm. Những xe này được cho là đã vi phạm giao thông trong khoảng thời gian trước và bị camera ghi lại với các lỗi chủ yếu là lấn tuyến, không bật đèn trong hầm, chạy quá tốc độ, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định… Khi lưu thông qua hầm vượt, biển số các xe này sẽ được "soi", nếu có trong danh sách đã vi phạm nguội, CSGT sẽ yêu cầu dừng xe để xử lý sau khi giải thích và cho tài xế xem lại những giấy báo vi phạm trước đó.
Tài xế Hồ Minh Trí (ngụ quận Bình Thạnh) được CSGT thông báo lỗi ôtô vi phạm chạy quá tốc độ khi qua hầm vượt sông Sài Gòn từ hồi tháng 6. Cơ quan chức năng đã gửi thông báo đến cho chủ xe nhưng chưa lên giải quyết. Tỏ ra bất ngờ khi nhìn tờ giấy báo vi phạm, anh Trí cho biết ôtô đang chạy là của công ty, lần vi phạm trước có thể do một tài xế khác cầm lái.
“Tôi thật sự chẳng biết gì về lần vi phạm đó cả. Dù vậy nhưng nghe mấy anh cảnh sát giải thích, phân tích, tôi vẫn ký biên bản để về báo với công ty giải quyết", anh Trí nói.
Ngoài những người chấp hành yêu cầu của cảnh sát, cũng có không ít người "nổi nóng" khi bị giữ lại. Anh Lương Trọng Hải (ngụ quận 1) khi được CSGT thông báo đã vi phạm dừng xe tại nơi có biển cấm từ ngày 2/4 đã nhất quyết khẳng định không biết gì về việc vi phạm này. Anh cũng yêu cầu cảnh sát đưa ra hình ảnh về việc mình đã vi phạm trước đó. “Tôi chưa hề nhận được bất kỳ giấy báo nào cho rằng mình đã vi phạm. Muốn lập biên bản, giữ giấy tờ thì phải cho tôi xem hình ảnh vi phạm ngay lúc này. Nếu không thì cho tôi đi chứ không phải muốn phạt lỗi gì thì viết biên bản lỗi đó. Nếu có lỗi, tôi sẵn sàng nộp phạt”, anh Hải nói.
Giải thích với anh Hải, CSGT tổ chuyên đề cho biết, giấy báo vi phạm đã được cơ quan chức năng chuyển về tận công an địa phương để đưa cho người vi phạm. Hình ảnh các lỗi này được lưu trữ ở máy chủ và được cho lái xe xem khi họ lên nộp phạt. Tổ công tác chỉ lưu giữ tài liệu ghi thời điểm và vi phạm của xe. Do có tổng cộng hàng nghìn hình ảnh về các trường hợp vi phạm nên tổ lưu động không thể chứa đủ trong máy mang theo người mà chỉ lưu trữ các văn bản về các lỗi.
"Đối với trường hợp anh Hải, lần này chúng tôi tiếp tục nhắc nhở mà không lập biên bản ngay. Việc xử phạt 'nguội' chủ yếu nhằm nâng cao ý thức tự giác nên chúng tôi chỉ thông báo lỗi vi phạm trước để anh này đi nộp phạt. Nếu chủ xe không tự giác, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý theo quy định”, tổ chuyên đề lý giải.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, thông qua hình ảnh ghi được, Phòng CSGT Công an TP HCM đã gửi gần 30.000 giấy thông báo vi phạm giao thông cho các cá nhân, tổ chức. Nếu các biên bản được gửi đến lần thứ 3 mà chủ xe vẫn không tự giác đi đóng phạt thì sẽ bị đưa vào hệ thống để các tổ tuần tra lập biên bản cưỡng chế khi lưu thông trên đường.
Trong 10 ngày đầu triển khai, đã có hơn 120 xe được nhắc nhở. Tuy nhiên, hầu hết các lái xe đều phủ nhận không phải là người cầm lái chiếc xe vi phạm giao thông trước đó mà camera ghi hình được. Ngoài ra, họ đều cho rằng "chưa từng nhận được giấy báo lên nộp phạt" khiến công tác xử lý vi phạm “nguội” của cảnh sát gặp khó khăn.
"Trên thực tế, khi xử phạt, nhiều chủ xe nêu các lý do như cho người khác mượn xe, mới mua lại xe... để tránh né trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi đã yêu cầu chủ xe hợp tác với CSGT xác minh và buộc phải có trách nhiệm bởi phương tiện vi phạm là do mình quản lý", một cán bộ PC67 nói.
Quốc Thắng