Đưa con nhập Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lần thứ hai trong vòng hơn tháng qua, chị Liễu (phố Mới, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, Bắc Giang) không hiểu vì sao cả hai vợ chồng chị và con gái 6 tuổi đều bị chảy máu không cầm được. Trong khi đó, gia đình không ai mắc bệnh về máu bẩm sinh.
Theo lời kể của chị Liễu, chồng chị là người đầu tiên gặp phải triệu chứng này. Khoảng cuối tháng 6, anh đi bắt cá không may bị đỉa cắn ở mông. Tưởng chỉ là vết thương nhỏ, nhưng đêm tỉnh dậy anh thấy máu chảy ướt cả chăn, chiếu. Gia đình cho anh đóng bỉm nhưng vết thương vẫn không cầm được máu.
Từng có họ hàng bị chảy máu không cầm được nên anh lên thẳng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tại đây, các bác sĩ xác định anh bị rối loạn đông máu do thiếu các yếu tố đông máu và các yếu tố này phụ thuộc vitamin K. Nguyên nhân có thể do ngộ độc thức ăn. Sau khi được truyền vitamin K, tình trạng bệnh của anh đã ổn định.
“Khi đó, cả tôi và con gái đều làm xét nghiệm máu nhưng kết quả bình thường. Tuy nhiên 3 tháng sau, tiếp tục đến tôi là nạn nhân. Khi tắm vô tình tôi làm da bị trầy xước, tưởng nhẹ không ngờ vài ngày vết thương vẫn rỉ máu. Lúc này tôi cũng xin nhập viện điều trị”, chị Liễu nói.
Cuối tháng 10, đến lượt cô con gái 6 tuổi bị chảy máu chân răng, vợ chồng chị vội bắt xe đưa con về Hà Nội. Máu chảy nhiều, cứ cách 5 phút bé lại nhổ máu trong miệng ra, có khi là cả cục máu đông to bằng quả trứng cút. Sau gần một tháng điều trị, bé được xuất viện nhưng chỉ 4 ngày lại phải nhập viện vì đi tiểu ra máu, chảy máu cam.
Nằm giường kế bên là bé Ngọc Hà, 6 tuổi, con gái chị Hạnh (33 tuổi, Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang) - họ hàng với chị Liễu cũng bị chảy máu không cầm được. Gần đây, thấy hai đầu gối con tím bầm, một chân không đi được, chị Hạnh vội đưa con đến Viện. Sau 4 - 5 ngày truyền vitamin K, Hà mới có thể đi lại bình thường.
Trao đổi với VnExpress chiều 9/12, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Hemophilia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, từ tháng 11/2012 đến nay Viện tiếp nhận khoảng 20 trường hợp có biểu hiện chảy máu bất thường: xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng lâu không cầm. Việc chảy máu có thể xuất hiện tự nhiên hoặc sau chấn thương nhẹ, có trường hợp chỉ gãi nhẹ máu cũng chảy không cầm được.
Bệnh nhận rải rác từ nhiều nơi: Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên... Đáng chú ý có 9 người cùng đến từ một địa chỉ là thị trấn Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang. Trong số này có 2 cặp là anh chị em ruột trong gia đình, còn lại là cậu - cháu, vợ - chồng.... Bệnh nhân là những người hàng xóm, họ hàng sống trong môi trường có mối quan hệ địa lý gần gũi, sinh hoạt ăn uống chung.
"Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng giảm đông máu nặng, kết quả xét nghiệm cho thấy họ bị thiếu các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K. Bình thường, những yếu tố này chỉ giảm khi bệnh nhân uống thuốc chống đông kháng vitamin K, hoặc rối loạn tổng hợp ở những bệnh nhân suy gan nặng", thạc sĩ Mai nói.
Theo bà Mai, các nạn nhân bị ngộ độc một chất kháng vitamin K. Vì thế, khi truyền bổ sung vitamin này thì triệu chứng cải thiện nhanh. Chuyên gia nghi ngờ bệnh liên quan đến các loại thuốc diệt chuột, có thành phần dược chất kháng đông máu.
Một số trường hợp tái phát có thể do người bệnh không tuân thủ điều trị; nguồn chất độc vẫn còn nên bị nhiễm tiếp hoặc chất kháng đông có tác dụng trong cơ thể tồn tại lâu dài. Để loại trừ bệnh cần tìm được nguồn chất độc.
Một đoàn gồm các chuyên gia đầu ngành về truyền máu, chống độc đã đến nhà các bệnh nhân tại Bắc Giang để tìm hiểu nguyên nhân. Đồng thời, lấy mẫu máu của các thành viên gia đình gửi đi xét nghiệm. Viện cũng có báo cáo gửi Bộ Y tế.
"Tình trạng rối loạn đông máu rất nguy hiểm. Không phải chỉ đơn giản đứt tay, đứt chân lâu mới cầm mà bệnh nhân có thể chảy máu bên trọng bụng, thậm chí xuất huyết nội tạng, não", thạc sĩ Mai khuyến cáo.
Sắp tới, một đoàn chuyên gia nữa sẽ đến Bắc Giang, mục đích là tập huấn cho cán bộ y tế địa phương về bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh để điều trị tận gốc cho bệnh nhân; đồng thời tuyên truyền cho người dân vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, cẩn thận khi sử dụng thuốc diệt chuột. Những trường hợp chảy máu bất thường, tự nhiên chảy máu mũi, chân răng, xuất huyết dưới da... thì nên đi bệnh viện kiểm tra.
Ngày 12/11, Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) cũng tiếp nhận một trẻ 2 tuổi ở Tiên Lữ, Hưng Yên trong tình trạng chảy máu chân răng khó cầm và xuất hiện các bầm máu trên da vùng cẳng tay phải, vùng thắt lưng sau khi bị ngã hoặc va đập. Những xét nghiệm chuyên sâu cho thấy bé bị rối loạn đông máu do thiếu các yếu tố đông máu và các yếu tố này phụ thuộc vitamin K. Trước đó, khoảng 2 tháng, trẻ cũng bị một đợt bệnh tương tự. Gia đình trẻ có sử dụng một loại thuốc diệt chuột có thành phần là Bromadiolone, đây là dẫn xuất của dicoumarol - một dược chất có tác dụng kháng đông máu. Chất này có thể dễ dàng xâm nhật cơ thể qua đường tiêu hóa (ăn uống) hoặc qua da. Các bác sĩ đã nhận định đây là một trường hợp ngộ độc thuốc kháng đông trong thuốc diệt chuột trên. Chỉ trong năm 2013, khoa Huyết học Lâm sàng của Bệnh viện đã gặp 4 trường hợp bệnh lý và nguyên nhân tương tự. |
Nam Phương