Quận Long Biên là trọng điểm mưa với lượng trên 200 mm. Nhiều tuyến đường như Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm, vòng xuyến ngã tư Cổ Linh (đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, bờ Bắc), Nguyễn Văn Linh (trước số nhà 270) bị ngập sâu 0,4-0,5 m.
Do cốt nền thấp, đường Nguyễn Sơn sáng nay biến thành sông với mực nước sâu 60 cm. Ngành giao thông phải phong tỏa tuyến này, tuy nhiên có một số người dân sinh sống trong phố vì vội đi làm vẫn cố vượt qua.
Tương tự, đường Cổ Linh bị ngập sâu nửa mét với chiều dài 2 km. Từ 6h30, công nhân công ty thoát nước đã phải chặn hai đầu đường, không cho xe cộ lưu thông. Các phương tiện buộc phải đi vòng đường đê Long Biên - Bát Tràng để sang trung tâm Hà Nội, khiến con đường này ùn tắc.
Nhà ở phố Hoàng Như Tiếp, sau một đêm ngủ dậy chị Phương phát hoảng vì đồ đạc nổi lềnh phềnh, cây đàn piano ở tầng một bị ngập chừng 30 cm. Lo ngại ngập gây nguy hiểm, gia đình đã cắt điện nên nhà tối om.
"Sau trận lụt lịch sử năm 2008, đây là lần thứ hai nhà tôi bị ngập như thế, mọi sinh hoạt đảo lộn", chị Phương nói.
Đến 9h sáng, quận Long Biên còn 4 vị trí ngập sâu là đường Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm, vòng xuyến ngã tư Cổ Linh, trước số nhà 270 đường Nguyễn Văn Linh. Do nước sông Cầu Bây dâng cao, việc tiêu thoát nước từ trong phố ra sông hạn chế. Công ty Thoát nước dự kiến phải hết hôm nay nước mới rút.
Nhiều tuyến đường ngập khiến giao thông trên địa bàn rối loạn. Đường Nguyễn Văn Cừ ùn ứ cả hai chiều kéo dài khoảng 5 km từ Nguyễn Sơn đến cầu Chương Dương.
Tại quận Hoàng Mai, lượng mưa trên 160 mm khiến nước hồ Đền Lừ dâng cao, tràn ra xung quanh. Nhiều người đứng trên vỉa hè vẫn bắt được cua, lươn từ hồ bò lên.
Khoảng 100 m đường Tân Mai qua khu đô thị Đền Lừ bị ngập sâu 60 cm, vỉa hè cũng ngập khoảng 20 cm. Vài chục xe máy, ôtô bị chết máy giữa đường, phải cầu cứu xe cứu hộ, hoặc nhờ người dân đẩy lên chỗ cao. Một vài phụ nữ đi xe máy bị sóng nước xô ngã. Đến 8h mưa ngớt, nhưng nước chưa có dấu hiệu rút. Cảnh sát giao thông bắt đầu phân luồng để ngăn người dân đi vào đoạn ngập.
Đến 9h sáng Hoàng Mai còn 8 vị trí ngập là chân cầu Vĩnh Tuy, Mạc Thị Bưởi, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Thanh Đàm, ngã ba Vành đai 3 - Khuyến Lương, Lĩnh Nam, Định Công. Dự kiến nếu trời không mưa thì ít nhất phải sau 3-5 giờ nữa nước mới rút hết.
Nằm ở trung tâm thủ đô, quận Hoàn Kiếm đêm qua cũng mưa rất to với lượng trên 120 mm. Anh Tùng nhà ở phố Phan Bội Châu cho biết, nước tràn vào nhà ngập 10 cm từ lúc 1h đến 4h sáng, khiến gia đình không kịp di chuyển đồ đạc. Nhiều thiết bị điện tử trị giá hơn 100 triệu đồng đã hư hỏng.
"Đây là trận mưa lớn tràn vào nhà tôi đầu tiên trong năm nay", anh Tùng nói.
*Người Hà Nội bắt cá trên đường phố
*Hà Nội cấm đường vì ngập sau mưa lớn
Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, từ 20h ngày 21/9 đến 6h ngày 22/9 thành phố liên tục có mưa, tập trung tại quận Long Biên, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm. Tổng lượng mưa đến 5h sáng nay tại Long Biên 207 mm; Vân Hồ 171 mm; Yên Sở 163 mm; Hoàn Kiếm 122 mm; Trúc Bạch 108 mm; Nam Từ Liêm 94 mm...
Nước trên sông Nhuệ lên cao (4,45 m) dẫn đến mực nước trên toàn hệ thống cao, gây khó khăn cho việc tiêu thoát. Công ty Thoát nước đã phải mở cửa hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… để điều hoà nước. Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ liên tục vận hành 100% công suất để hạ mực nước trên hệ thống.
Sở dĩ Hà Nội mưa lớn là chịu ảnh hưởng của vùng xoáy thấp nằm ngay trên khu vực đồng bằng, kết hợp với trường gió đông nam thổi từ biển vào. Cơ quan khí tượng cho biết, không chỉ Hà Nội, đêm qua nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa cũng mưa to, như Đáp Cầu (Bắc Ninh) 259 mm; Hải Dương 105 mm; Nho Quan (Ninh Bình) 100 mm; Sầm Sơn (Thanh Hóa) 205 mm…
Hôm nay, vùng xoáy thấp và đới gió đông nam ẩm tiếp tục hoạt động mạnh, khu vực đồng bằng và tỉnh Thanh Hóa còn có mưa to, lượng mưa ước chừng trong sáng nay 40-70 mm, có nơi trên 100 mm. Nguy cơ ngập úng ở vùng trũng thấp, ven sông suối, ngập lụt ở đô thị có khả năng xuất hiện ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa.
Bá Đô - Quý Đoàn