- Xin ông cho biết ý kiến về việc Công ty Bio-Rad của Mỹ khai nhận hối lộ 2,2 triệu USD cho các quan chức chính phủ Việt Nam?
- Vấn đề này cần xác minh làm rõ. Bộ trưởng Y tế đã có văn bản gửi cho Bộ trưởng Công an rồi.
Năm ngoái, Trung Quốc đã xử phạt một công ty của Mỹ mấy trăm triệu USD vì tội hối lộ mà họ chấp nhận chịu phạt. Còn trường hợp này ở ta, hiện nay phải xác định là họ hoạt động trong lĩnh vực nào: thuốc, hóa chất hay thiết bị y tế… Tôi nghĩ là trong 5 năm hối lộ 2,2 triệu USD, có lẽ còn quá nhỏ.
Thực tế nhiều năm nay, chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc là chuyện phổ biến. Đây là một vấn đề rất lớn. Ở các nước như Mỹ thì họ kiểm soát ngay từ các công ty, xem danh sách chi hoa hồng, chi cho những ai do đó mới phát hiện được. Ta cũng muốn kiểm soát nhưng rất khó. Tôi mong là qua đợt này, chúng ta sẽ phát hiện được xem ở lĩnh vực nào, dược hay thiết bị y tế.
- Có những hình thức hối lộ nào trong lĩnh vực y tế hiện nay?
- Họ có thể tài trợ dưới hình thức mời đi nước ngoài tham dự hội thảo, cộng vào là có thể thành mấy triệu đôla. Ví dụ, hãng tài trợ cho mấy trăm bác sĩ đi dự hội thảo, mỗi người vài nghìn đôla cộng lại đã thành một khoản lớn. Hình thức hối lộ rất khó, vấn đề phát hiện ra như thế nào. Nhiều nơi có tình trạng chủ yếu trả hoa hồng qua đơn thuốc rất tinh vi.
Tôi nghĩ là những công bố của cơ quan điều tra ở nước ngoài như vậy sẽ khó với chúng ta. Nhưng đây cũng là một dịp tốt cho Việt Nam tìm cách đưa giá thuốc, giá trang thiết bị y tế về giá thực mà không bị chi phối bởi những khoản hoa hồng rất khó kiểm soát.
Tôi rất muốn Quốc hội ban hành luật Đấu thầu, trong đó có mục riêng cho đấu thầu cung ứng thuốc và thiết bị y tế để kiểm soát. Nhưng cũng rất vất vả vì thực tế này tồn tại ở nhiều nước.
- Những hình thức hối lộ như ông vừa nói phổ biến đến mức nào tại Việt Nam?
- Có hàng mấy chục công ty nước ngoài đầu tư trang thiết bị y tế và bán thuốc ở Việt Nam. Chỗ nào cũng có hoa hồng, vấn đề là làm thế nào để phát hiện được, rất khó.
- Làm gì để kiểm soát, phát hiện được những hành vi này?
- Theo tôi là khó. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó họ mời đi tham dự hội thảo khoa học. Đây cũng là dịp tốt cho cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, nhưng ẩn bên trong đó có chế độ, chính sách tài chính gì đó cho người cán bộ, bác sĩ được mời đó thì chúng ta khó biết được. Ở đây là vấn đề y đức, sự tự giác, quản lý của cơ quan cán bộ, bác sĩ đó.
Ví dụ mời đi hội thảo, ta không phát hiện được. Họ có cơ chế trả hoa hồng rất tinh vi, không qua tài khoản, ngân hàng. Những cái này phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, họ cũng đau đầu về việc này.
- Cần cơ chế ra sao để kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ y tế, bác sĩ?
- Chúng ta có Luật Thuế thu nhập, chính sách kê khai tài sản rồi. Nhưng thực tế, văn hóa tiền mặt ở Việt Nam rất khó kiểm soát. Ở Nhật, thu nhập bác sĩ bệnh viện kiểm soát rất chặt. Lương của bác sĩ họ nói là cao hơn gấp 3 lần mức bình quân của xã hội và xã hội chấp nhận. Nhưng họ kiểm soát chặt, chỉ có thu nhập chính thức gấp 3 lần.
Trong khi đó ở ta, lương của bác sĩ theo hệ thống chung nhưng lương của các bác sĩ ở một số bệnh viện rất lớn, trong khu nhà của các bệnh viện có nhiều ôtô. Nhưng chúng ta không kiểm soát được thu nhập từ nguồn này, nguồn kia. Đây là cái khó của Việt Nam. Đảng, Nhà nước cũng rất quyết tâm kiểm soát thu nhập nhưng rất vất vả. Chỉ sau này, khi chúng ta kiểm soát được tất cả thu nhập cá nhân qua tài khoản thì việc chống tham nhũng mới thuận lợi hơn.
Nam Phương ghi