Chứng kiến nhiều cây bật gốc lộ nguyên bầu đất bọc nylon ở các tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Xiển, Vành Đai 3, Lê Duẩn..., nhiều người dân không khỏi lo ngại, cho rằng đây là cách trồng cẩu thả, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, đặc biệt là tính mạng của người dân khi cây đổ.
Giải thích hiện tượng trên, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết, về lý thuyết cây mới trồng cần có lưới bao để tránh vỡ bầu đất và lưới này sẽ tự huỷ, tuy nhiên không loại trừ khả năng công nhân không làm đúng, sử dụng chất liệu lưới sai quy định. Lãnh đạo Công ty hứa sẽ thanh kiểm tra nội bộ, rà soát quy trình trồng những cây bị đổ, đồng thời đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị chăm sóc cây xanh khác cùng kiểm tra, rà soát.
Công ty này cũng khẳng định, luôn thực hiện cắt tỉa cây cành bị mục gãy theo kế hoạch trước mùa mưa bão hàng năm.
PGS.TS Nguyễn Văn Sinh, Phó trưởng phòng Sinh thái thực vật, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nhận xét, cây trồng trên phố còn nguyên bầu là "chuyện rất lạ". "Về nguyên tắc, trồng bất cứ cây gì trên các tuyến phố phải tháo nylon và bao dứa để cho cây phát triển. Nếu bọc kín, rễ không thể xuyên thủng để bám vào đất, nguy cơ đổ rất cao", ông Sinh nói.
Theo TS Sinh, việc để nguyên bầu chỉ áp dụng cho những cây ở vườn ươm, cây nhỏ, còn khi trồng cây lớn mà để nguyên vỏ bầu bằng chất liệu không tự phân hủy là phản khoa học.
Chung nhận định với TS Sinh, một số chuyên gia về lâm nghiệp cho rằng, nếu trồng mà không bóc vỏ bầu thì tỷ lệ cây sống là rất thấp, hoặc có sống được thì cũng chậm bén rễ và phát triển kém.
Ngày 15/6, tại cuộc họp về việc khắc phục hậu quả trận giông lốc, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra thông tin việc trồng cây còn bọc nguyên nylon, làm rõ trách nhiệm của đơn vị thực hiện và xử lý nghiêm.
Lãnh đạo Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng hoàn thành thu dọn cây đổ tại 3 quận bị thiệt hại nặng là Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Đống Đa. 300 chiến sĩ sư đoàn 301 Bộ Tư lệnh quân khu thủ đô cùng lực lượng thanh tra giao thông được ưu tiên tập trung khắc phục hậu quả cho 3 địa bàn trên.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, siêu giông chiều 13/6 đã làm 1.300 cây xanh bị quật gãy và bật gốc. Trong hơn 800 cây bị đổ ở nội thành có 34 cây xà cừ đường kính 50-150 cm, còn lại chủ yếu là muồng, phượng, bằng lăng tím. Sau hai ngày, những cây xà cừ lớn bị gãy đổ chưa được thu dọn hết. Nhiều cây bị bật gốc chưa được trồng lại.
"Việc khắc phục cây đổ sau mưa giông vừa qua phải mất nhiều ngày do có nhiều cây cổ thụ cỡ lớn, việc di chuyển, dọn dẹp khó khăn. Những cây bật gốc, các đơn vị đã kiểm đếm để phân loại và trồng lại nếu còn sử dụng được", lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh cho hay trước thắc mắc "công tác giải phóng hiện trường chậm trễ".
Trận giông lốc với sức gió giật cấp 9-10 càn quét Hà Nội chiều 13/6 đã khiến 2 người chết, 5 người bị thương, gần 140 nhà tốc mái, 13 ôtô bị hư hại, nhiều sự cố gây mất điện trên diện rộng. |
Bá Đô - Đoàn Loan