Ngày 6/3, ông Phạm Tấn Dũng, Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi cho biết, Sở vừa quyết định đình chỉ hoạt động cầu treo Huy Măng ở xã Sơn Dung, huyện miền núi Sơn Tây vì có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Trung bình mỗi ngày, ít nhất 200 người dân, học sinh đi qua lại khu vực này. Qua kiểm tra phát hiện những thanh đà, ván trên mặt cầu bị mối mọt ăn mục đe dọa tính mạng người tham gia giao thông.
"Cầu này làm từ hơn 10 năm trước nhưng không được duy tu, sữa chữa nên xuống cấp nghiêm trọng. Sở đã lập biên bản, yêu cầu địa phương tuyệt đối không cho người dân qua lại phòng tránh nguy hiểm; khẩn trương lập dự án đầu tư cầu treo mới thay thế ", ông Dũng nói.
Thống kê sơ bộ của Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 24 cầu treo do cấp huyện, xã quản lý. Riêng huyện miền núi Trà Bồng có 3 cầu treo Hà Doi, Trà Bói, cầu treo thôn Cưa đi thôn Cả đều bị hư hỏng mặt cầu gỗ, hệ thống dây treo bị gỉ, dầm ngang bị ăn mòn.... Còn tại huyện miền núi Ba Tơ, đợt mưa lũ vượt đỉnh lịch sử cuối năm 2013 đã gây hỏng khoảng 10 cầu treo bắc ngang qua các sông, suối đến nay mới chỉ khắc phục tạm thời.
Tại Bình Định, cầu sạp bằng gỗ dài hơn 100 m, rộng 1,5 m bắc ngang sông Côn ở thị xã An Nhơn đang trong tình trạng rệu rã, xuống cấp nghiêm trọng. Hàng ngày khoảng 850 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu phải qua lại cây cầu này để buôn bán, học tập. Thống kê của xã Nhơn Mỹ, vài năm gần đây đã xảy ra hàng loạt tai nạn trên cầu sạp này, trong đó có vụ 4 người rơi xuống chết đuối. Lãnh đạo xã Nhơn Mỹ lý giải, chủ trương xây cầu mới đã có, song do nguồn vốn đầu tư quá lớn nên chưa được bố trí.
So với các tỉnh miền Trung, Quảng Nam là một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng cầu treo do địa hình nhiều sông suối, độ dốc lớn. Ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam cho hay, toàn tỉnh có hơn 160 cầu treo, trong đó gần 2/3 do nhà nước đầu tư còn lại chủ yếu do người dân tự làm bằng gỗ, lồ ô, tre nứa để qua sông, lên nương rẫy. Hiện, hàng chục cầu treo ở các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang (Quảng Nam) đang trong tình trạng "báo động đỏ", dễ hiểm họa.
Ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, toàn huyện có 18 cầu treo nhưng đến 17 cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết cầu này được làm hơn 10 năm nhưng chưa từng duy tu, sửa chữa vì không có kinh phí. Trong 5 năm gần đây, trên địa bàn xảy ra hàng chục vụ trượt ngã từ cầu treo xuống sông, là nỗi ám ảnh của người dân. "Do các cầu treo là đường độc đạo liên thôn trên địa bàn, nên hàng ngày, dẫu biết qua lại gặp nhiều nguy hiểm nhưng hàng nghìn người dân vẫn cứ phải đi, không còn cách nào khác", ông Tài nói.
Theo người đứng đầu chính quyền huyện này, sau khi rà soát tất cả các cầu treo, huyện đã lập phương án duy tu, sữa chữa khoảng 3 tỷ đồng để kiến nghị tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư. Về lâu dài, quan điểm của địa phương là tiến tới xóa bỏ cầu treo, kêu gọi các chương trình, vốn hỗ trợ xây cầu bê tông cốt thép kiên cố để đảm bảo cho đồng bào vùng cao đi lại an toàn.
Trí Tín