Những ngày qua, ông Huỳnh Bửu (bố của học viên Huỳnh Văn Long) đứng ngồi không yên lo xoay xở gần 2,7 tỷ đồng hoàn trả cho Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, sau khi phải hầu tòa vì con vi phạm hợp đồng. Ông Bửu cho biết cùng tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) và sang Anh học tập với con mình còn có Hồ Viết Luận. Hai chàng trai sinh năm 1991 học ngành Kỹ sư xây dựng dân dụng, Đại học Nottingham từ tháng 9/2010.
Kết thúc 4 năm học, Long và Luận đứng nhất nhì lớp có 200 học viên nước ngoài, nên được trường cấp học bổng, cho học tiếp 3 năm tiến sĩ. Hai gia đình mừng rỡ vì con có cơ hội học cao hơn mà gia đình và ngân sách thành phố không phải chi thêm tiền. Họ làm đơn xin gia hạn thêm 3 năm, cam kết sau khi con bảo vệ tiến sĩ sẽ về làm việc cho UBND TP Đà Nẵng. "Hai cháu xin ở lại Anh để học tiếp tiến sĩ, chứ không phải để làm việc", ông Bửu nói.
Long và Luận được thông báo về học bổng từ tháng 1/2014 và 3 tháng sau thì làm đơn nhận. Tuy nhiên, đến tháng 5/2014, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng thông báo hai học viên đã vi phạm hợp đồng, yêu cầu về trình diện và làm việc tại Đà Nẵng. "Tôi nói con xin tạm dừng học tiến sĩ 1-2 năm để về nước, nhưng trường đại học ở Anh quản lý chặt chẽ nên các cháu không thể về", ông Bửu nói và cho biết không hề nghĩ đến chuyện bị kiện ra tòa.
Ông Hồ Niên (bố học viên Hồ Viết Luận) phân trần, trước năm 2013, nhiều học viên khi nhận được học bổng cũng không về trình diện và vẫn được Đề án tạo điều kiện học tiếp. "Hai cháu Long và Luận xin gia hạn để học tiếp học bổng do trường đại học bên đó cấp, rồi về làm việc cho thành phố với chuyên môn tốt hơn chứ không phải cố tình phá vỡ hợp đồng", ông Niên bộc bạch.
Cùng mức bồi thường như gia đình ông Bửu (hoàn trả 100% kinh phí đã nhận từ Đề án 922), ông Niên nói: "Phải nói thật lòng gia đình chúng tôi rất cảm ơn Đề án 922, vì nhờ đó mà con mình được ra nước ngoài học tập, có thêm cơ hội nhận học bổng tiến sĩ. Nhưng khi các cháu muốn gia hạn thì đơn vị quản lý đề án quá cứng nhắc, không nghiên cứu và quan tâm đúng mức", ông nói.
Hai phụ huynh cho hay, ngày 12/9/2014, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mời gia đình lên làm việc thì một ngày trước đó đơn vị này đã trình lên UBND TP Đà Nẵng việc đưa hai học viên ra khỏi đề án. Vì lẽ đó, khi gia đình trình bày nguyện vọng đã không tìm được tiếng nói chung.
"Hôm rồi tôi gọi điện cho Luận, cháu nói khi học xong tiến sĩ nếu thành phố cho về làm việc thì vẫn nhiệt huyết cống hiến", ông Niên kể và cho hay khi biết cha mẹ ở nhà phải hầu tòa, hai học viên tỏ vẻ buồn rầu.
"Chúng tôi không muốn hầu tòa chỉ vì lý do con mình học giỏi. Con học giỏi được nhận học bổng mà lại là bị đơn. Nếu chúng tôi sai thì đó là sai thậm tệ, hoặc chính sách hiện tại không đúng", ông Bửu nói.
Nghỉ hưu sớm vì bệnh xơ gan, ông Bửu xin Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho trả 10 triệu đồng mỗi tháng, đến khi đủ 2,7 tỷ đồng thì thôi. Còn ông Niên là bộ đội phục viên nhận chế độ một lần, vợ làm giáo viên đã nghỉ hưu, đang phải nuôi mẹ già và vừa thoát nghèo được 3 năm nay nên xin trả tiền cho thành phố mỗi tháng 5 triệu đồng - toàn bộ số tiền lương hưu của vợ ông.
Hai phụ huynh bảo rất hiểu thành phố muốn nhanh thu hồi tiền ngân sách, vì đó là tiền thuế của người dân, nhưng hy vọng được giãn nợ để có khả năng hoàn tiền, chấp nhận chịu lãi suất ngân hàng. Họ mong khi con tốt nghiệp sẽ đi làm để tiếp tục trả đủ số tiền đã mượn từ Đề án 922, tuyệt đối không có tâm lý trốn nợ.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, cho biết "cực chẳng đã" mới phải kiện và dù thắng kiện nhưng "chẳng vui mừng mà thấy mất mát". "Tiền thành phố chi cho các học viên đều từ ngân sách, tức là tiền thuế của dân, là mồ hôi của công nhân trong xưởng máy, của nông dân ngoài đồng và cả lệ phí của những chị em buôn thúng bán bưng. Để thất thoát số tiền từ mồ hôi và công sức của nhân dân là không thể được", ông Chiến nói.
Theo ông, đáng ra thành phố kiện thu hồi gấp 5 lần số tiền bỏ ra theo đúng hợp đồng với các học viên tham gia đề án trước ngày 10/12/2013, nhưng xét thu cao học viên khó trả được và bản thân việc học cũng tốn kém nên đã giảm xuống. Thời gian tới, với 17 trường hợp vi phạm hợp đồng còn lại, nếu không thực hiện nghĩa vụ, thành phố tiếp tục khởi kiện để đảm bảo công bằng.
Trước đó Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng đã khởi kiện 7 người tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) ra tòa dân sự do vi phạm hợp đồng, không về nước làm việc theo cam kết. Phía Trung tâm quản lý đề án thắng kiện, 7 người kia phải hoàn trả số tiền hơn 10 tỷ đồng cho thành phố.
Nguyễn Đông