Hôm qua, nỗi xấu hổ của nữ sinh viên trường Đại học FPT trước nhân cách của một đám đông đồng bào đã trở thành nỗi xấu hổ chung của cả dân tộc khi một đài truyền hình nước ngoài và trước đó là Youtube đã loan tin khắp thế giới về vụ hôi bia mà có lẽ, khi nhìn lại những hình ảnh cướp cạn đó, bất cứ ai là người Việt Nam cũng muốn tìm một cái lỗ nẻ.
Người ta sẽ nhìn thấy ở đó điều gì khác ngoài sự man rợ, vô minh? Câu chuyện hôi bia tại thành phố Biên Hòa ngày 4/12 đang cho thấy một thực tế hiển nhiên rằng: "Nhân cách của không ít người có giá chỉ bằng vài lon bia".
Đúng vậy, cả đất nước ê chề chỉ vì một đám đông hôi của. Xin đừng đổ lỗi cho cái nghèo. Nếu nghèo thì đó chỉ là sự nghèo nàn về nhân cách, về văn hóa. Bên cạnh đó còn là sự nghèo nàn cả ở lòng tự trọng và nỗi xấu hổ nữa.
Tuy nhiên, sau khi tấm băng rôn về sự tự trọng và nỗi xấu hổ kia được giăng lên, ngay lập tức chính quyền địa phương đã cho dỡ bỏ với lý do: “Ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị”.
Tôi thấy thật buồn cười, làm sao việc dỡ bỏ một chiếc băng rôn có thể xóa nhòa trong tâm trí người dân cả nước hình ảnh đám đông bầy đàn xông vào tranh cướp. Thiết nghĩ, tới nước ấy thì làm gì có mỹ quan mà bảo phải gìn giữ.
Dẫu sao, trong đám đông loạn lạc về lòng tự trọng, vẫn còn đó những con người có lương tri. Một nữ sinh viên treo những tấm băng rôn về hai chữ “xấu hổ”, một người mẹ nói về sự nhục nhã...
Nhục nhã vì điều khủng khiếp nhất là hình ảnh người mẹ xông vào cướp bia ngay trước mắt đứa con gái nhỏ. Nhục nhã vì đứa bé hỏi một câu mà người phụ nữ ấy không thể trả lời: “Mẹ lấy bia làm gì?”.
Thông tin từ công an Đồng Nai cho biết, họ đang điều tra và nếu có thể sẽ khởi tố vụ án công nhiên chiếm đoạt tài sản. Nhưng có lẽ, một tấm băng rôn tự trọng nói về hai chữ xấu hổ cần thiết hơn nhiều. Một chiếc băng rôn sẽ là một tấm gương để hàng ngày người ta phải đối diện với sự ê chề. Một tấm băng rôn như thứ bia miệng khắc ghi trong đó một cái giá rẻ mạt về nhân cách.
Không soi gương, làm sao biết được mặt mình có nhọ.
Đào Tuấn