Các nhà chuyên môn của Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế đang đào hố thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân. VnExpress có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân xung quanh sự kiện này.
- Ông bắt đầu nghiên cứu về cung điện Đan Dương và lăng mộ vua Quang Trung từ khi nào?
- Trước đây, tôi cũng như nhiều người khác xem lăng Ba Vành (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) là lăng mộ vua Quang Trung. Nhưng khi tôi tìm hiểu về triều Nguyễn, biết với triều Nguyễn thì một đồng xu của triều Tây Sơn họ cũng nung nóng chảy, không thể tồn tại lăng mộ như vậy, nên tôi bỏ.
Là nhà Huế học, tôi sưu tập nhiều sách lịch sử, văn hóa, địa lý nói về Huế, đặc biệt là của người nước ngoài viết. Qua đó, tôi phát hiện ông Ngô Thì Nhậm (người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh), nói "Sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta", tức là lăng vua Quang Trung nằm trong cung điện.
Còn ông Phan Huy Ích (quan đại thần trải ba triều đại Lê Trung Hưng, Tây Sơn và Nguyễn), khi vào làm việc với ông Bùi Đắc Tuyên (thái sư dưới triều vua Cảnh Thịnh, con vua Quang Trung) tại chùa Thiền Lâm, thì những người giữ lăng vua Quang Trung thường đến uống rượu với ông, tức lăng mộ vua Quang Trung gần chùa Thiền Lâm.
Tháng 1/1985, tôi thông báo công trình lý thuyết về lăng mộ vua Quang Trung, nhưng để công bố được thì tôi phải mất nhiều năm nghiên cứu. Có thể nói rằng, đầu những năm 1980, tôi bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về lăng mộ vua Quang Trung.
- Từ những căn cứ nào ông cho rằng trong lịch sử có cung điện Đan Dương của triều Tây Sơn và nơi đây cũng chôn cất vua Quang Trung?
- Từ nghiên cứu của mình, tôi biết trong triều Nguyễn người ta giấu thông tin về chùa Thiền Lâm. Qua tài liệu tôi phục hồi lại được, thì chùa Thiền Lâm nằm ở đường Điện Biên Phủ, gần chùa Thuyền Lâm ngày nay. Tôi cũng tìm được vị trí phủ Dương Xuân, tiền thân của cung điện Đan Dương, nằm trên gò Dương Xuân, ấp Bình An, nay là chùa Vạn Phước.
- Trong quá trình nghiên cứu thực địa gò Dương Xuân trước đây, ông có phát hiện được hiện vật nào làm căn cứ chứng minh cho lập luận của mình hay không?
- Trước năm 1985, trong quá trình nghiên cứu, tôi phát hiện nhiều hiện vật tại khu vực gò Dương Xuân được người dân tìm thấy khi đào đất xây dựng nhà cửa. Ví dụ như nhà ông Nguyễn Hữu Ánh đã khai quật lên hàng trăm viên đá tán, sau đó ông dùng số đá tán đó lót nhà để ở. Sau này, ông Ánh đem số đá, gạch đó cho chùa Vạn Phước, hiện chùa Vạn Phước vẫn còn lưu giữ.
Chúng ta biết rằng, Lê Quý Đôn từng ghi nhận cung điện Đan Dương được lót đá bằng phẳng. Tại chùa Thuyền Lâm ngày nay cũng đang lưu giữ một số viên đá tán lót nền.
Mới đây, công nhân xây đựng công trình môi trường nước cũng đào được một số viên đá tán tại khu vực gò Dương Xuân, gần nhà ông Ánh.
- Ông kỳ vọng điều gì trong đợt khảo cổ gò Dương Xuân đang diễn ra?
- Trước lúc đoàn khảo cổ tiến hành đào thăm dò đã liên hệ với tôi, do hiện ở Huế trời mưa nên công việc tạm dừng sau ngày đầu tiên mở hố (7/10). Nếu đoàn khảo cổ tìm được các hiện vật là điều tốt, riêng tôi luôn tin rằng gò Dương Xuân xưa kia có tồn tại phủ Dương Xuân, và phủ Dương Xuân được triều Tây Sơn sử dụng làm cung điện Đan Dương, cũng là nơi chôn cất lăng mộ vua Quang Trung.
Hiện tôi đang làm website nói về cung điện Đan Dương, lăng mộ vua Quang Trung.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò tại gò Dương Xuân (Trường An, TP Huế) với diện tích 22 m2, từ ngày 30/9 đến 15/10. |
Võ Thạnh