Ngày 13/10, Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Nam tổ chức họp báo về dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.
Hiện nhà máy này nằm ở Cụm Công nghiệp Thương Tín 1 (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn), được dự kiến di dời đến vị trí mới (thôn Hoa) với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, quy mô 180.000 tấn thép/năm, diện tích khoảng 17 ha. Do vị trí mới là lưu vực sông Vu Gia, dư luận lo ngại dự án sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước sạch cho khoảng 1,7 triệu dân, chủ yếu là cư dân TP Đà Nẵng.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch cho biết nhà máy thép Việt Pháp dùng thiết bị Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch, thành viên hội đồng đánh giá tác động môi trường nhà máy luyện cán thép Việt Pháp, khẳng định nhà máy không sử dụng công nghệ chế biến quặng ra thép, mà dùng thép phế liệu đun sôi thành phôi và cán thép thành phẩm. Nhà máy không dùng than, củi mà dùng điện, chủ yếu hoạt động vào ban đêm, giờ thấp điểm để tiết kiệm điện. Phát thải chính của nhà máy là bụi, khói thải và tiếng ồn khi nhập sắt thép vào.
Ông Thạch cho rằng việc di dời nhà máy lên miền núi là "giúp cho huyện Nam Giang phát triển", và khẳng định không có chuyện di dời nhà máy để tiện khai thác mỏ quặng sắt tại xã La ÊÊ, Chà Val (huyện Nam Giang), cách vị trí mới của nhà máy khoảng 40km.
Theo ông Thạch, công nghệ của nhà máy thép Việt Pháp khi di dời lên lưu vực sông Vu Gia ở mức "trung bình khá", nếu muốn mức tiên tiến thì phải đầu tư thêm. "Trang thiết bị của nhà máy được nhập từ Trung Quốc, chưa thật là cao. Muốn công nghệ cao thì nhập của Châu Âu, nhưng quy mô phải đạt hàng triệu tấn/năm", tiến sĩ Thạch nói.
Bà Võ Thị Ngọc, Giám đốc công ty thép Việt Pháp, khẳng định ảnh hưởng đến môi trường của nhà máy là dưới ngưỡng quy định, "chúng tôi ngày đêm ở lại nhà máy nên luôn đặt bảo vệ môi trường hàng đầu".
Trước lo ngại việc nhập phế liệu từ nước ngoài về phục vụ hoạt động của nhà máy, sẽ biến Việt Nam thành bãi rác thải, đại diện lãnh đạo nhà máy khẳng định phế liệu sẽ được nhập từ các nước Nhật Bản, Mỹ theo đúng tiêu chuẩn nhập thép phế liệu, khi về Việt Nam sẽ được kiểm định.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết công ty có đề nghị tỉnh hỗ trợ từ nguồn ngân sách 123,8 tỷ đồng để di dời, còn chuyện "có di dời hay không phải chờ hoàn thiện thủ tục đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh xem xét, quyết định". Theo ông Quang, việc phê duyệt dự án quy mô 180.000 tấn thép/năm thuộc thẩm quyền của địa phương, không phải xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương.
Trả lời câu nếu Đà Nẵng không đồng ý di dời nhà máy lên lưu vực sông Vu Gia, Quảng Nam có phải xin ý kiến Thủ tướng hay không, ông Quang nói: "Vừa qua hai địa phương có trao đổi. Việc phát triển kinh tế xã hội của Quảng Nam đều xem xét trên các khía cạnh, dự án nào ảnh hưởng đến môi trường thì chúng tôi có trách nhiệm tính toán. Chúng tôi chỉ trao đổi chứ không phải xin ý kiến Đà Nẵng, nếu xin, chúng tôi chỉ xin ý kiến cấp trên".
Theo Luật Bảo vệ môi trường, khi xây dựng dự án phải có ý kiến cộng đồng những nơi có thể bị ảnh hưởng. Ông A Viết Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết chính quyền địa phương đã họp dân, nhưng "mới tổ chức được 17 hộ thôn Hoa, còn 8.000 dân thị trấn Thạnh Mỹ thì chưa họp". Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Quảng Nam, cho rằng dù sông Vu Gia là sông liên tỉnh nhưng chỉ lần lấy ý kiến cộng đồng gần nhà máy, không cần lấy ý kiến người dân vùng hạ lưu Quảng Nam và Đà Nẵng.
Đại diện nhà máy thép Việt-Pháp cho biết từ khi được phê duyệt đến cuối năm 2016, chủ đầu tư sẽ làm các thủ tục liên quan. Sang năm 2017 san lấp mặt bằng và đến tháng 7/2018 bắt đầu xây dựng. Sau khi nghiệm thu, dự kiến nhà máy sẽ sản xuất từ quý 3/2019. |
Nguyễn Đông - Sơn Thủy