Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc), sinh ngày 1/7/1915 trong một gia đình công chức tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). 4 tuổi ông mất cha, 7 tuổi mồ côi mẹ, 15 tuổi ông tham gia hoạt động cách mạng, đi rải truyền đơn rồi bị bắt, tù đày. Ông từng hai lần bị đày ra nhà tù Côn Đảo.
Sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, nhưng suốt cuộc đời ông chủ yếu hoạt động và gắn bó với miền Nam, giữ các trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn; Ủy viên Thường vụ xứ ủy Nam Bộ trong kháng chiến; Bí thư Thành ủy TP HCM sau ngày thống nhất đất nước rồi được giao trọng trách làm Tổng bí thư Đảng năm 1986, năm Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới.
Theo ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP HCM, chính quãng thời gian lăn lộn cùng nhân dân, trải qua thực tế khiến ông Nguyễn Văn Linh có cái nhìn sâu sắc về đời sống nhân dân, hiểu dân cần gì, tin dân, lấy dân làm gốc. "Cán bộ, đảng viên kính trọng, yêu mến gọi chú Mười là con người của đổi mới", ông Hải nói.
Ông Nguyễn Văn Linh đã bật đèn xanh cho TP HCM "xé rào" đổi mới. Năm 1980, khi còn là Bí thư Thành ủy TP HCM, ông xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, thí điểm đổi mới quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước. Đây là những bước đột phá đầu tiên mặc dù chưa hoàn thiện nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý cũ. Dù bị nhiều người phê phán, cho rằng thành phố chạy theo cơ chế thị trường nhưng ông vẫn kiên định với cách làm này.
Tháng 7/1983, khi các vị lãnh đạo cấp cao là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công đang nghỉ ở Đà Lạt, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Linh đã tổ chức "Hội nghị Đà Lạt" trong vòng một tuần. Ông cùng một số giám đốc cơ sở làm ăn có lãi trực tiếp gặp 3 vị lãnh đạo trên để đề đạt nguyện vọng và mời họ đi thăm cơ sở chế biến tơ tằm, xí nghiệp chè của thành phố tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ngay hôm sau, ông có buổi làm việc riêng với các vị lãnh đạo này, báo cáo tất cả tâm tư mà bản thân đang nung nấu. Tư tưởng đổi mới đã được ông vận dụng vào việc chuẩn bị văn kiện Đại hội lần thứ sáu của Đảng, khởi xướng cho công cuộc đổi mới đất nước kể từ năm 1986.
Nói về sự kiện này, ông Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, khi đó là Chủ tịch UBND TP HCM đánh giá: "Cuộc đấu tranh giữa đổi mới và bảo thủ, trì trệ diễn ra khá gay gắt. Để giải quyết một cách có tính thuyết phục, anh đã đề nghị lãnh đạo trung ương trực tiếp nghe báo cáo. Qua thời gian tiếp xúc, các anh lãnh đạo chủ chốt của trung ương đã nhất trí với quan điểm đổi mới. Một lần nữa, anh Linh lại có sự đóng góp đáng kể trong bước ngoặt lịch sử mới, đưa đất nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đầy thách thức, nguy hiểm".
Nhận ra đổi mới là điều tất yếu, ông Nguyễn Văn Linh mạnh dạn vận dụng những kinh nghiệm từ địa phương kiến thiết cho công cuộc đổi mới đất nước. Khi trở thành Tổng bí thư Đảng vào tháng 12/1986, ông đã ngoài 70 tuổi. Lúc này, Việt Nam bị khó khăn bủa vây tứ phía. Cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền trước đó bộc lộ nhiều khuyết điểm khiến nền kinh tế xuống dốc. Xuất nhập khẩu thu hẹp, đình đốn, lạm phát có thời gian lên tới trên 700% khiến hơn 7 triệu người thiếu đói. Viện trợ của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa cắt giảm, đất nước bị cấm vận. Yêu cầu đặt ra là "đổi mới thì sống, không đổi mới thì chết".
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhìn thấu yêu cầu của đổi mới, nhất là kinh tế. Ông khẳng định: "Không có con đường nào khác là phải kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế, phát huy vai trò của khoa học kỹ thuật, mở rộng nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại".
Đại hội đã quyết định đường lối đổi mới, tập trung đổi mới từ nền kinh tế quốc doanh, tập thể chuyển sang kinh tế nhiều thành phần; bãi bỏ chế độ tem phiếu khiến nhiều mô hình làm ăn được "bung" ra, đời sống nhân dân dần khởi sắc.
Nghị quyết 10 (Khoán 10) về khoán sản phẩm tạo ra một cú hích mạnh mẽ làm nông nghiệp bừng tỉnh sau một thời gian dài "ngủ đông". Vụ mùa năm 1988, nông nghiệp được mùa lớn và chỉ một năm sau đó, Việt Nam từ nước thiếu đói, nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới.
Nói về sự đổi mới, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh "Cái mới không dễ được chấp nhận. Còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để bằng thực tế với cung cách làm ăn có hiệu quả mới có thể thuyết phục nhằm thay đổi dần được cách nghĩ, cách điều hành theo lề lối cũ".
Vừa đổi mới, ông vừa quan tâm đến những việc cần làm ngay, đề ra phương châm nói và làm. Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông đã khởi xướng công cuộc đấu tranh chống tiêu cực trên mặt trận báo chí với phương châm: Báo chí không được uốn cong ngòi bút.
Ngày 25/5/1987, trang nhất báo Nhân dân đăng bài Những việc cần làm ngay. Bài viết đi thẳng vào vấn đề khi đó là giá cả tăng vọt của tác giả ký tên N.V.L khiến nhiều người quan tâm. Theo lời kể của nhà báo Hữu Thọ, tối 24/5 là phiên ông trực ban biên tập báo Nhân dân. Khoảng 17h30, khi mọi ngưởi đã về, tòa soạn chỉ còn ông và ban thư ký trực thì thường trực ở cổng đưa vào một phong thư, nói là của một người đứng tuổi đi ôtô Lada màu sữa gửi ban biên tập. Trong phong bì có thư và một bài báo viết tay. Bức thư ký tên Nguyễn Văn Linh, còn bài báo có đầu đề Những việc cần làm ngay, ký tên N.V.L.
Từ ngày 25/5/1987 đến 28/9/1990 có 27 bài báo với nhan đề Những việc cần làm ngay, đề cập chủ yếu đến việc chống tiêu cực, phê phán việc ngăn sông cấm chợ, những bất hợp lý trong sản xuất phân phối và lưu thông, nhắc đến đời sống hàng nghìn giáo viên quá chật vật... Loạt bài viết tạo ra một luồng sinh khí mới trong xã hội: công khai, dám nói thẳng, nói thật trong những năm đầu đổi mới. Sau này, khi được hỏi về bút danh N.V.L, vị Tổng bí thư giải thích đó là "nói và làm", nhưng cũng không ít người dịch ra là "nhảy vào lửa".
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh răn dạy người lãnh đạo nhiều bài học sâu sắc. Những năm đầu đổi mới, ông thẳng thắn chỉ ra những căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở nghiêm khắc nhiều người làm cán bộ, như bệnh "kiêu ngạo, coi khinh dân gian, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt quan cách mạng lên, không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ".
Ông nhắc, "càng được giao chức quyền lớn bao nhiêu thì càng phải nhớ lại, phải được giáo dục lại bài học cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân. Cần phải nhớ rằng tất cả chính sách của Nhà nước có thực hiện được hay không là do dân chứ không phải do cán bộ chính quyền mà thực hiện được. Một sai lầm nghiêm trọng của nhiều cán bộ chính quyền hiện nay là xa dân, không dựa vào dân, không chú ý công tác của dân".
Về công tác quy hoạch cán bộ, ông nói thẳng "Hình như bây giờ các đồng chí lớn tuổi ít chú ý đào tạo các đồng chí trẻ, cứ tưởng rằng mình có thể sống mãi để làm cách mạng… Vì quy hoạch cán bộ chúng ta kém quá nên tôi mới phải làm Tổng bí thư. Đáng lẽ nếu Đảng ta có quy hoạch cán bộ tốt thì có đồng chí trẻ hơn tôi làm Tổng bí thư". Ông tâm sự "Nay mai chúng ta đều sẽ già đi, sẽ nghỉ thì phải có người trẻ thay thế. Muốn thế, chúng ta phải đào tạo các đồng chí trẻ tuổi".
Ông nói và đã làm đúng như vậy. Năm 1991, sau một nhiệm kỳ làm Tổng bí thư lèo lái đưa đất nước từng bước thoát khỏi khủng hoảng, ông tự nguyện rút lui, không tham gia Trung ương khóa mới. Khi Bộ Chính trị đề xuất ông làm thêm một khóa nữa, ông thẳng thắn nói "Tôi tuổi cao rồi. Tuổi cao mà nhận trọng trách thì khó tránh khỏi những sai lầm". Sau khi rời vị trí, ông trở thành cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng cho đến ngày ra đi năm 1998.
Ghi nhận công lao của ông, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đánh giá: "Suốt nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị là Tổng bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo khôn khéo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới; đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế".
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, công cuộc đổi mới đất nước là một tiến trình cách mạng, cũng là áp lực, đòi hỏi của đời sống. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh xuất hiện trong thời điểm lịch sử ấy, ở cương vị của mình, ông đã đảm nhận nhiệm vụ và thiết kế công cuộc đổi mới cho đất nước, để lại di sản cho các thế hệ mai sau. "Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta không chỉ tôn vinh một con người, một quá khứ, mà phải phát huy giá trị của con người ấy vào đời sống ngày hôm nay", ông Dương Trung Quốc nói.
Hoàng Phương